Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, người lao động mất việc nhiều, bảo hiểm thất nghiệp như một “phao cứu sinh” ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số đối tượng dùng nhiều chiêu trò để lừa đảo hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi
Trước những khó khăn của người lao động trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, không ít người lao động đã được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Qua đó, phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, lợi dụng tính ưu việt của chính sách và sự phát triển của không gian mạng, một số đối tượng đã nhắn tin, gọi điện giả mạo các đơn vị bảo hiểm xã hội để lừa đảo hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, công an phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội tiếp nhận phản ánh từ một nạn nhân tại quận Đống Đa về việc nhận được tin nhắn báo đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, đề nghị truy cập vào một đường link cho sẵn. Vì nghĩ là thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nên nạn nhân đã nhấn vào đường link này và nhập các thông tin cá nhân, cung cấp số tài khoản ngân hàng và mã OTP theo yêu cầu. Sau khi làm theo các bước, nạn nhân phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ gần 33 triệu đồng. Thấy điều bất thường, nạn nhân đã lập tức thông báo cho công an và liên hệ ngân hàng để kịp thời phong tỏa tài khoản.
Tương tự, một nạn nhân ở TP. Hồ Chí Minh do ít tiếp xúc với công nghệ và các thông tin cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, cộng với tâm lý mong chờ được hỗ trợ sau nhiều tháng thất nghiệp nên đã bị lừa mất hơn 600 triệu đồng khi nhận được tin nhắn hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp giả mạo.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đơn vị đang tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc họ bị các thuê bao điện thoại gửi tin nhằn lừa đảo mạo danh Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, theo phản ánh, các đối tượng lừa đảo không chỉ tiếp cận người dân bằng các tin nhắn mà còn thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... Các đường link dẫn đến các trang khá đa dạng nhưng đa số nạn nhân bị lừa vì mất cảnh giác trước giao diện giao dịch giống với các ngân hàng họ đang sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn gọi điện trực tiếp đến người dân, yêu cầu họ thực hiện theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Không ít người đã thực hiện theo những chiêu trò của những kẻ lừa đảo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình và bị mất tiền.
Tăng cường đề cao cảnh giác
Các chuyên gia an ninh mạng phân tích, thực chất đây đều là những hình thức lừa đảo phishing. Điểm chung của những chiêu trò này là kẻ lừa đảo đều dụ nạn nhân để click vào một website giả mạo có tên miền được đặt gần giống so với các ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền phổ biến. Sau đó, thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP sẽ được chuyển về cho đối tượng lừa đảo. Từ đó, kẻ xấu có thể thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng mà các nạn nhân đã cung cấp.
Trước những phản ánh của người dân, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm trục lợi, hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân của người lao động. Cơ quan Bảo hiểm xã hội không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin rõ tới người lao động, theo quy định của Nghị quyết số 116/NQ-CP và thời gian đề nghị nhận hỗ trợ của người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của người lạ, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào được cung cấp, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.
Để tránh bị lừa đảo, người dân có thể tự tra cứu để biết được số tiền cụ thể mà mình sẽ được hưởng theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Để có thể kiểm tra thông tin, người dân phải có mã số bảo hiểm xã hội của mình sau đó truy cập vào trang web tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Người dân chỉ cần điền họ, tên và mã số bảo hiểm xã hội vào khung tương ứng, lập tức các thông tin chi tiết về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và trạng thái (đã nhận hay chưa) sẽ hiển thị đầy đủ ở kết quả bên dưới. Bằng cách này, người dân có thể chủ động tránh tình trạng bị mắc phải chiêu trò của những kẻ lừa đảo.
Bên cạnh việc nâng cao cảnh giác để bảo vệ bản thân trước các hình thức lừa đảo hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan khuyến cáo, người dân cần chung tay cùng cộng đồng và các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi lừa đảo. Theo đó, khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, người dân nên phản ánh với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin, qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua trang web chongthurac.vn để đơn vị kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Hương Giang
Theo Thời báo Ngân hàng