Tác động của suy thoái kinh tế trong nước và toàn cầu, sự “chùng tay” của giới đầu tư nước ngoài đang đặt các nhà kinh doanh cao ốc tại đô thị lớn nhất nước những bài toán hóc búa.
Tác động của suy thoái kinh tế trong nước và toàn cầu, sự “chùng tay” của giới đầu tư nước ngoài đang đặt các nhà kinh doanh cao ốc tại đô thị lớn nhất nước những bài toán hóc búa.
Còn nhớ năm 1994, tổng diện tích văn phòng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh chỉ hơn 26.700m2, số cao ốc cũng đếm đầu ngón tay. Sang năm 1995, với sự khai trương của hàng loạt cao ốc đã nhanh chóng đưa diện tích tăng hơn 51.700m2. Đến đầu năm 1998, con số này đã nhảy vọt hơn 205.000m2. Và giờ đây theo số liệu khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, đến hết Quý I/2013, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê trên toàn địa bàn đã vượt hơn 1,3 triệu m2. Đến cuối năm nay, nếu các dự án đang triển khai hoàn thành đúng tiến độ sẽ cung cấp thêm cho thị trường khoảng 730.000m2 sàn diện tích cho thuê.
Cung tăng liên tục nhưng cầu đã chững lại. Thống kê không chính thức cho thấy, hiện toàn bộ các cao ốc văn phòng tại thành phố chỉ mới cho thuê được khoảng 70%. Theo nhận định, tình trạng này có từ 3 nguyên nhân: Diện tích văn phòng cho thuê liên tục tăng thêm song hành với sự mọc thêm các cao ốc cho thuê; sụt giảm đầu tư nước ngoài; và suy thoái kinh tế trong nước lẫn toàn cầu.
Hệ quả là chủ các cao ốc phải giảm giá cho thuê để giữ chân khách hàng. Nếu như từ nửa đầu năm 1997 trở về trước, giá cho thuê tại các cao ốc phổ biến từ 35 - 40 USD/m2/tháng, đến khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ khu vực hồi cuối năm 1997 cộng với sự ra đời của cao ốc 33 tầng Saigon Trade Center cùng năm đó và từng gây chú ý bởi là cao ốc cao nhất thành phố vào thời điểm đó. Khi đi vào hoạt động, Saigon Trade Center đưa ra biểu giá cho thuê làm “bật ngửa” tất cả các đồng nghiệp khác: 25 USD/m2/tháng. Hiện giá cho thuê trung bình của cao ốc nhóm A là khoảng 27 USD/m2/tháng, nhóm B và C khoảng 22 USD/m2/tháng…
Trong bối cảnh ấy, để trụ được đòi hỏi giới kinh doanh cao ốc phải căng sức giải quyết một loạt bài toàn khó. Trước hết, các cao ốc đặt nhiều hy vọng vào các khách hàng “ruột”. Tiếp theo là tùy nghi, linh động đưa ra biểu giá phù hợp để không mất khách cũng như tung ra những chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong vấn đề này, từng cao ốc không thể tự giải quyết mà cần có sự tham gia điều tiết, quản lý của Nhà nước thông qua các chính sách vĩ mô như chính sách đầu tư, cân đối cung cầu, quản lý cấp phép không để xảy ra tình trạng ồ ạt đầu tư vào cao ốc cho thuê… Thậm chí cũng đã manh nha ý tưởng hình thành một tổ chức mà thành viên là các doanh nghiệp kinh doanh cao ốc và tổ chức này sẽ phân chia thị trường, phân khúc khách hàng ra các nhóm như các văn phòng đại diện, các công ty liên doanh, các sứ quán và ngoại giao đoàn, khách thượng lưu, trung lưu…
Ý tưởng này nghe chừng cũng hấp dẫn, thế nhưng liệu sẽ giải quyết thỏa đáng khi mà quyền chọn lựa là của khách thuê?
Thiện Nhân
theo Thanh tra