Nhận “order” một đĩa bún chả Hà Nội, German Sierra biết chính xác sẽ phải làm gì, đầu tiên là nướng thịt, chuẩn bị bún, rau thơm và đặc biệt là pha nước chấm, công đoạn quan trọng nhất giúp người ăn nhận ra hương vị quê nhà.
Nhận “order” một đĩa bún chả Hà Nội, German Sierra biết chính xác sẽ phải làm gì, đầu tiên là nướng thịt, chuẩn bị bún, rau thơm và đặc biệt là pha nước chấm, công đoạn quan trọng nhất giúp người ăn nhận ra hương vị quê nhà.
Nhiều người Việt tại Mỹ kéo nhau đến các nhà hàng tại trung tâm Eden để thưởng thức các món ăn truyền thống, nhưng họ không biết rằng, người chế biến ra những món ăn nóng hổi đậm chất Việt này lại chẳng liên quan đến quê hương họ.
Khi bếp trưởng German Sierra của nhà hàng Viet Taste tại Falls Church nhận “order” (yêu cầu của khách hàng) một đĩa bún chả Hà Nội, anh biết chính xác mình sẽ phải thao tác những gì, đầu tiên là nướng thịt, chuẩn bị bún, rau thơm và đặc biệt là pha nước chấm, công đoạn quan trọng nhất giúp người ăn nhận ra hương vị quê nhà.
German Sierra là người Honduras “chính cống”. “Khi rời quê hương, tôi không bao giờ tưởng tượng được là mình sẽ trở thành đầu bếp, đặc biệt là sẽ chế biến ra những món ăn truyền thống của một dân tộc khác như thế này. Trước khi đến Mỹ cách đây 12 năm, tôi chưa bao giờ đến Việt Nam, cũng chưa từng thử ăn các món Việt và dĩ nhiên là không biết công thức chế biến các món ăn Việt thế nào” - German Sierra chia sẻ.
|
German Sierra đang chế nước dùng cho món phở Hà Nội.
|
Sau khi đặt chân đến Mỹ, German Sierra bắt đầu làm quen với nghệ thuật ẩm thực Việt trong các nhà hàng châu Á tại Washington. Và khi đã thuần thục các món ăn Việt Nam, anh được thuê đến làm tại nhà hàng Viet Taste ở trung tâm Eden, nơi được mệnh danh là “Vườn địa đàng” của người Việt.
Tại đây, anh làm việc trong căn bếp tới 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày một tuần. Anh được trả 550 USD cho công việc này. Tuy nhiên, German Sierra không phải người nhập cư gốc Tây Ban Nha duy nhất làm việc trong các căn bếp của nhà hàng Việt. Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm thăm dò người gốc Tây Ban Nha, bộ phận người nhập cư này đang chiếm lĩnh ngành công nghiệp ẩm thực Mỹ.
“Ghé qua bất cứ nhà hàng nào quanh khu vực này bạn đều sẽ thấy lực lượng lao động chính hầu hết là người Mỹ gốc Tây Ban Nha”, Benjamin Velasquez, chuyên gia tại trường quốc tế Carlos Rosario cho hay.
Velasquez, người đã đào tạo hàng trăm đầu bếp nhập cư trong suốt 30 năm nay cũng cho biết, tại trung tâm Eden, nơi hầu hết các cửa hiệu và nhà hàng do người Việt làm chủ và cũng là nơi 80.000 người Mỹ gốc Việt thường xuyên đến để tìm lại hương vị quê nhà này, lao động người Mỹ gốc Tây Ban Nha đang đóng vai trò quan trọng.
“Chính họ đang cứu sống nền ẩm thực Việt trên đất Mỹ và không ai khác ngoài họ đang thỏa mãn cơn thèm khát chút vị quê nhà của những người Việt tha hương” - Velasquez nhấn mạnh.
Theo ông, những người Việt nhập cư Mỹ từ hồi những năm 1970 giờ đều ở độ tuổi về hưu. Trong khi đó, những người trẻ mới nhập cư thì đi học hoặc làm những công việc chuyên môn chứ không muốn đứng trong căn bếp.
“Giờ kiếm được một đầu bếp gốc Việt không hề đơn giản. Người trẻ thì không muốn làm, người già thì không còn sức khỏe” - Thi Quach, chủ nhân của nhà hàng Viet Taste, chia sẻ.
Quả thực, một nghiên cứu mới đây cho hay, những người nhập cư châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng giờ hầu hết có trình độ học vấn cao và nhập cư một cách hợp pháp. Ngược lại, đa phần người nhập cư gốc Tây Ban Nha lại không có trình độ ĐH và vào Mỹ theo con đường “tiểu ngạch”.
Tuy vậy, theo Binh “Gene” Nguyen, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ - Việt tại Washington, những người Mỹ gốc Tây Ban Nha học hỏi công việc khá nhanh và thực sự tâm huyết với nghề.
Sierra là ví dụ điển hình. Anh không hề có kinh nghiệm nấu ăn khi đặt chân lên đất Mỹ hồi năm 2000. Anh cũng chưa tốt nghiệp phổ thông và phải làm việc kiếm sống từ nhỏ. Trước khi rời Honduras, anh làm nghề lái taxi tại thành phố quê nhà San Pedro Sula.
Khi đến Mỹ, anh trải qua rất nhiều công việc. Ban đầu anh đi rửa bát thuê, sau đó nhờ học hỏi nhanh mà anh trở thành phụ bếp, rồi phó bếp và giờ là bếp trưởng.
“Khi còn làm công việc rửa bát, tôi thường tâm sự với những người cùng làm về khao khát trở thành đầu bếp của mình khi ngày ngày chứng kiến bếp trưởng chế biến ra những món ăn hấp dẫn. Dẫu vậy, khi đó tôi cũng biết rằng, nấu các món ăn Việt không hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, đến giờ này, tôi có thể nói rằng, trong cuộc sống, nếu thực sự cố gắng, con người ta có thể làm được nhiều chuyện không tưởng” - Sierra chia sẻ.
Ông chủ Quach cũng cho hay, Sierra học các công thức nấu ăn rất nhanh. Sau khi biết cách nấu, hàng ngày anh còn phải học và tự nhẩm tên gọi của những món này bằng tiếng Việt để hiểu được mỗi khi nhận “order”.
Giờ đây mọi công việc từ chế biến món ăn đến gọi tên chúng bằng tiếng Việt đối với anh quá đơn giản, đến mức những người Việt chính gốc cũng không thể nào phát hiện ra hương vị quê nhà mà họ đang được đắm chìm qua những món ăn nóng hổi này lại là sản phẩm của một người ngoại quốc.
Theo Đất Việt