Sự kiện hot
12 năm trước

Chất lượng nhà tái định cư tại Hà Nội: Càng “sờ” càng thấy hỏng

Chất lượng nhà thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến các khu tái định cư (KTĐC) nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân tái định cư.

Chất lượng nhà thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến các khu tái định cư (KTĐC) nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân tái định cư.

Đụng đâu hỏng đấy

Được đưa vào sử dụng từ năm 2005, KTĐC NamTrung Yên (Trung Hòa, Cầu Giấy) một trong những KTĐC kiểu mẫu ở Thủ đô đã nhanh chóng xuống cấp, hệ thống tường nhà bong chóc, nứt lẻ, nước sinh hoạt ngấm từ tầng trên xuống tầng dưới, ngấm cả ra ngoài tường nhà… Tình trạng xuống cấp kéo dài, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được sửa chữa khiến những bức xúc ngày càng trở lên căng thẳng. Đặc biệt, tại 3 tòa nhà B11B, B3B, B3D từ nhiều tháng qua, 1 trong 2 hệ thống thang máy của tòa nhà đã ngừng hoạt động, khiến việc đi lại của những người dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn.


Hai thang hỏng một (Ảnh chụp tại nhà B3B, KTĐC Nam Trung Yên).

Trong khi đó, tại KTĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) tình trạng xuống cấp còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo ghi nhận của báo Đời sống & Tiêu dùng, toàn bộ khu nhà N1, N2, N5,N7, N9, N10… của KTĐC Đồng Tàu đã xuất hiện tình trạng rêu mốc, tường ẩm ướt, gạch nền tầng để xe thì sụt lún, móng tầng 1 nứt toác, biến dạng hở cả đường ống thoát nước ngầm, vườn hoa biến thành nơi trồng rau xanh, đường xá nhiều nơi trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, thang máy hoạt động theo kiểu lúc được lúc không như tại nhà N5, 1 trong 2 hệ thống thang máy đã ngừng hoạt động từ gần 2 tuần nay. Tuy nhiên, theo một số người dân tại đây cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa thấy bóng dáng của các đơn vị có chức năng xuống kiểm tra, xử lý.


Hai thang máy hỏng một (Ảnh chụp tại nhà N5, KTĐC Đông Tàu).

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội trình Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đến tháng 4/2012, Hà Nội đã hoàn thành 12.000 căn, trong đó khoảng 11.000 căn được sử dụng cho dân TĐC. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chất lượng của các KTĐC vẫn đang là dấu hỏi lớn. Chất lượng nhà TĐC thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến nhanh chóng xuống cấp. Việc cung cấp các dịch vụ môi trường, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí và học tập của cộng đồng dân cư ở nhiều khu tái định cư còn rất thiếu, chưa được xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt khi đến nơi TĐC.

Bên cạnh đó, những hiện tượng chậm tiến độ do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng cũng làm ảnh hưởng tới kế hoạch phân bổ TĐC của TP. Cụ thể, dự án nhà tái định cư X1 - phường Hạ Đình có diện tích xây dựng gần 6000 m2, quy mô 12 tầng với 51 căn hộ. Dự án dự kiến hoàn thành từ quý 3/2010, nhưng đến nay mới thi công xong toàn bộ phần cọc, móng, bể nước ngầm, phần kết cấu tầng 12, đang xây thô tầng 7. Với khối lượng thực hiện đạt 32 tỷ đồng, dự án đã thanh toán được 33,2 tỷ đồng và cần giải ngân thêm 15 tỷ đồng để trả cho khối lượng thi công.

Đáng chú ý, dự án này vẫn còn 12 hộ dân nằm trong phạm vi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện được do các hộ dân không đồng thuận di dời. Dự án nhà tái định cư X2 - phường Hạ Đình, mặc dù cũng khởi công từ tháng 6/2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2010, nhưng cũng đang thiếu vốn (khoảng 40 tỷ đồng) để giải ngân cho khối lượng thi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 141 tỷ đồng, gồm 2 tòa nhà chung cư cao 12 tầng, bố trí 165 căn hộ; hiện đã xây xong toàn bộ phần thô và đang tập trung hoàn thiện…

Cần có cơ chế cụ thể


Bảng thông báo tình trạng hỏng hóc của thang máy, tuy nhiên, bao giờ sửa chữa xong người dân hoàn toàn không biết (Ảnh chụp tại nhà B3D, KTĐC Nam Trung Yên).

Ông Nguyễn Đức Xuân, tổ trưởng tổ quản lý nhà Nam Trung Yên cho biết, hiện tại KTĐC có 3 hệ thống thang máy bị hỏng gồm B11B, B3B, B3D. Theo dự kiến hệ thống thang máy nhà B11B, B3B sẽ được sửa chữa trong vài ngày tới. Đối với hệ thống thang máy nhà B3D, đơn vị sửa chữa đang tiến hành nhập khẩu thiết bị về sửa chữa. Tuy nhiên, bao giờ sửa chữa xong còn tùy thuộc vào tiến độ thực hiện của đơn vị bảo trì. “Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này có nhiều gia đình chưa lần nào chịu đóng phí dịch vụ. Người dân không chịu đóng phí dịch vụ nhà tái định cư thì chúng tôi cũng không kiếm đâu ra tiền để thường xuyên bảo trì, nâng cấp các trang thiết bị đang xuống cấp”, ông Xuân cho hay.

Trong khi đó, ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác khu đô thị cho biết: “Theo nguyên tắc, khi nhận được phản ánh của các Ban quản lý, xí nghiệp phải báo cáo với công ty, công ty mời phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, đơn vị bảo trì xuống kiểm tra. Sau khi xác định được hỏng hóc, đơn vị bảo trì phải báo giá với xí nghiệp, sau đó xí nghiệp phải báo giá với Sở Xây dựng, từ đó cơ quan của Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, xác minh giá cả. Sau khi xác minh xong, chúng tôi mới có thể tiến hành sửa chữa”. Cũng theo ông Hữu, để khắc phục tình trạng này, các đơn vị có trách nhiệm nên tạm ứng trước cho xí nghiệp để đơn vị có tiền sửa chữa kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng tình trạng hỏng hóc kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thống nhất về phát triển và quản lý

Theo Bộ Xây dựng, để khắc phục những tồn tại trong đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng nhà TĐC, trước hết phải có quy định thống nhất về phát triển và quản lý từ khâu lập quy hoạch xây dựng, bố trí quỹ đất, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, đến tiêu chuẩn thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác. Trong đó, có những điểm hết sức chú ý là nguyên tắc Nhà nước chủ động chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà TĐC. Khu vực đô thị hạn chế xây dựng dự án TĐC riêng lẻ mà giải quyết theo hướng tập trung phát triển dự án nhà ở xã hội, mua căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí TĐC.

Về chất lượng công trình TĐC, sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả với nhà ở tự xây dựng trong khu TĐC. Để tập trung nguồn lực, triển khai nhanh quỹ nhà TĐC phục vụ những dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Xây dựng đề xuất sẽ trực tiếp chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC.

Liên quan đến diện tích tối thiểu căn hộ TĐC, Bộ Xây dựng cho rằng 30m2/căn là phù hợp với quy chuẩn thiết kế nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở, đồng thời, đối tượng thụ hưởng nhà TĐC thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội mà phần lớn là người nghèo, có thu nhập thấp nên cần có nhiều dạng diện tích phù hợp thực tế.

Hòa Thắng

Từ khóa: