Giá 1 kg quặng chì lên tới gần 20.000 đồng, nên một người dân đi khai thác quặng trái phép, gọi là “quặng thổ phỉ”, mỗi ngày có thể kiếm được gần 300.000 đồng. Đổi lại họ đang phải đối mặt với cái chết rình rập và làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Giá 1 kg quặng chì lên tới gần 20.000 đồng, nên một người dân đi khai thác quặng trái phép, gọi là “quặng thổ phỉ”, mỗi ngày có thể kiếm được gần 300.000 đồng. Đổi lại họ đang phải đối mặt với cái chết rình rập và làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
“Quặng tốt nhiều lắm”
Đặt chân tới Chợ Đồn, hỏi thăm bản Ruồn (xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), khu vực giáp ranh với xã Đồng Lạc, ai cũng biết. Bởi lẽ, chỉ với chừng năm chục nóc nhà, nhưng thời điểm hiện tại số lò quặng mà người dân khai thác không dưới con số 12. Những khu mỏ này nằm ngay dưới chân dãy núi, cách tuyến đường liên xã được trải nhựa đường phẳng lì chỉ chừng 500 m. Nghĩa là đi xe máy trên đường vẫn có thể quan sát thấy cảnh “quặng thổ phỉ” hoạt động. Và trái ngược với những gì mà chúng tôi suy tính trước đó, sự xuất hiện của chúng tôi - những người lạ - chẳng khiến cánh “quặng tặc” bận tâm.
|
Ngang nhiên khai thác quặng trái phép giữa ban ngày
|
Tùng, một dân khai thác quặng chui là dân xã Quảng Bạch cho hay, hiện số người tham gia khai thác quặng trái phép tại bản Duồn lên tới cả trăm người, gần bằng 1/5 số dân của xã Quảng Bạch. Nguồn cơn của thực trạng trên được Tùng lý giải: tiền thu về từ việc làm nương, đi rừng chỉ bằng một phần nhỏ, không đáng kể nếu so với đi đào quặng chì, kẽm, sunfua. Thêm vào đó, chi phí đầu tư cho máy móc khai thác quặng cũng cực “bèo”. Cụ thể, chỉ cần “xẻ” chiếc xe máy Win Trung Quốc lấy nguyên bộ máy, cộng với phần nhông xích để đấu vào chiếc ròng rọc là người ta có thể moi từ lòng đất hàng tấn quặng mỗi ngày. Thông thường, tại mỗi điểm lò quặng kiểu này có từ 6-10 người tham gia khai thác. Một nửa trong số này cầm theo búa chim, xẻng chui xuống lò để đào bới quặng. Số còn lại ở trên đảm nhiệm công việc tời, gồng gánh, cũng như phân loại quặng.
“Ban đầu anh em mình chỉ đào sâu 2 m đất là lấy được quặng chì rồi. Giờ đã hơn một năm, đào sâu tới 23 m mà quặng tốt vẫn còn nhiều lắm”, Ma Văn Lềnh, một “quặng tặc” mặt mũi đen nhẻm, vừa chui từ dưới lò lên, hớn hở khoe với tôi. Cũng theo Lềnh, do khai thác thủ công nên lò quặng kiểu này sâu lắm cũng chẳng ai dám khoét quá 40 m. Khi đạt gần tới độ sâu này, tai mỗi “quặng tặc” đã ù lại, lồng ngực thì tức như muốn nổ tung ra.
Cách không xa lò quặng của Lềnh, phía bên này khe suối, lò khai thác quặng kẽm, sunfua do Triệu Quảng quản lý, nằm trên địa phận xã Đồng Lạc, khá quy mô và hoạt động rầm rộ. Ở đây lò của Triệu Quảng có tới 12 người ở hai xã Đồng Lạc, Quảng Bạch tham gia khai thác. Lò có cả điện thắp sáng, được kéo bằng đường dây từ dưới thôn Thông Phả (xã Đồng Lạc) lên. Ngoài ra, khu vực lán trại cũng có cả bếp để nấu nướng. Triệu Quảng cho hay, tại những lò không phép kiểu này, dân làm quặng chẳng cần trang bị bất kỳ một thứ đồ bảo hộ nào, nhưng năng suất luôn đạt từ 7 - 9 tấn/ngày. Để khai thác được nhiều quặng, khi đã đạt tới độ sâu tối đa, “quặng tặc” bắt đầu dùng xà beng, cuốc chim khoét ngang ra nhiều hướng của lò, nếu gặp đá sẽ dùng mìn để nổ. Theo Triệu Quảng, tất cả các lò đều thông với nhau và tạo thành vô số những đường hầm ngầm dưới chân núi. Triệu Quảng cũng thú nhận với tôi, lò đào kiểu này rất dễ bị sập. Nhưng vì món lợi lớn từ các lò “quặng thổ phỉ”, nhiều người đã bất chấp cả cái chết đang rình rập.
Sông, suối chết dần
Được biết tới là một địa phương giàu tiềm năng khoáng sản, nhưng hiện tại nhiều khu vực sông, suối ở các xã Đồng Lạc, Quảng Bạch thuộc H.Chợ Đồn đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm ngày một tăng. Ông Hoàng Văn Quyết (75 tuổi), người thôn Thông Phả, xã Đồng Lạc, cho biết: “Từ 3 năm trở lại đây, nhiều phần ruộng nhà tôi liên tục không trồng được lúa. Thay vào đó gia đình phải chuyển sang trồng ngô”. Cũng theo ông Quyết, mỗi lần đi lội ruộng về, các thành viên trong gia đình ông đều bị ngứa ngáy, thậm chí là mưng mủ, lở loét ở kẽ hay khóe ngón chân. “Ngày trước, đám trẻ trong làng còn hay được ra suối, sông chảy qua thôn để tắm mát. Nhưng giờ chẳng còn gia đình nào dám cho con ra bơi nữa, vì sợ chúng về sẽ mắc bệnh ngoài da”, ông Quyết phản ảnh. Trong khi đó, chị Nông Thị Hoa, một người dân khác ở thôn Thông Phả lại bức xúc cho chúng tôi biết: “Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ khác trong thôn cũng có vịt chết khi chăn thả ngoài suối. Tới mùa mưa, nước ở sông suối tràn vào ao, làm hàng loạt cá thả nuôi cũng bị chết trắng”.
Bí thư thôn Thông Phả, ông Hoàng Văn Thành, cho hay: Đất đá tại các điểm, lò khai thác “quặng thổ phỉ” bị đào xới rồi theo nước mưa cuốn ra sông suối là tác nhân gây ô nhiễm. Nhưng nghiêm trọng hơn, nước hút lên qua xả tuyển quặng lại được trút thẳng xuống suối. Lâu dần, nước suối không còn trong, mà thay vào đó là nước bùn đục, đỏ. Thứ nước bùn đỏ này nhiễm kim loại bám bết vào gốc, khiến cây lúa không thể lớn được. Hiện hơn 13 ha ruộng bị bồi nắng bùn đỏ nên không cấy được lúa và phải sang gieo trồng các loại cây nông nghiệp khác. Theo ông Thành: “Trước đây bà con thường lấy nước giếng, nước ở con suối chảy qua thôn để dùng. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng từ nạn khai thác quặng thổ phỉ, toàn bộ hơn 300 khẩu của thôn phải làm đường ống dẫn nước suối từ trên đỉnh núi, cách làng hơn 2 km về thì mới dùng được”.
Chính quyền bó tay
Theo lời ông Chủ tịch xã Đồng Lạc, 7 lò ở khu vực giáp ranh với gần chục lò tại bản Duồn đều được các chủ thuê lại đất rừng của hai hộ gia đình ông Ma Văn Minh và Triệu Văn Duyên. Theo đó, các chủ lò khai thác không phép này sẽ phải “cắt phế” lại cho gia đình ông Minh và ông Duyên một khoản là 10% trong tổng số quặng khai thác được. Hiện mỗi ngày các lò này khai thác được không dưới 50 tấn quặng chì, kẽm, sunfua.
Chủ tịch xã Quảng Bạch, ông Hoàng Quang Hoạt thừa nhận, hiện có nhiều người dân trong xã đổ xô vào núi khai thác quặng trái phép và nhiều trường hợp vẫn cứ lầm tưởng quặng nằm trên phần đất nhà mình, là mình có thể thoải mái khai thác bán cho các đầu nậu. Từ thực tế trên, chính quyền xã đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa như ý muốn. “Cấp xã chúng tôi chỉ được quyền xử phạt hành chính với mức tối đa một lò là 500.000 đồng, ngoài ra chủ lò phải ký cam kết không được tái phạm. Nhưng khi chính quyền xã rút đi là “quặng tặc” lại kéo về dựng lều lán khai thác tiếp”, ông Hoạt phân trần. Theo ông Hoạt, thậm chí chính quyền xã đã nhiều lần phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác mở đợt truy quét, giải tỏa và dùng mìn phá sập các lò “quặng thổ phỉ” này, nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy.
Đe dọa đoàn kiểm tra
Vẻ mặt chưa hết bàng hoàng, ông Nguyễn Quốc Vinh - Chủ tịch xã Đồng Lạc, thuật lại: “Qua nắm tình hình, tôi biết được khu vực giáp ranh giữa hai xã Đồng Lạc và Quảng Bạch có tới 7 lò đang nổ mìn khai thác quặng trái phép, nên đã gọi điện báo chính quyền huyện. Không ngờ khi vừa đi làm về, đã có mấy gã thanh niên mặt mũi bặm trợn xông vào, đứng giữa sân nói vào mặt vợ tôi: “Chị bảo anh Vinh, Chủ tịch xã làm việc nhẹ nhàng một chút, đừng có kiểu gọi báo người này người kia. Như thế bọn em kiếm ăn khó khăn, thì cuộc sống gia đình mình cũng gặp nhiều đau khổ đấy”.
Cũng mới đây, trong một lần đi kiểm tra, khi thấy lực lượng chính quyền xã, đội quân khai thác quặng không những không tháo chạy, mà còn ngang nhiên mời ông Vinh vào lán… uống rượu, dùng đồ nhắm. Ông Vinh tiến tới phía miệng lò để khảo sát, thì có một người bám theo và nói: “Anh mà xuống dưới lò. Nhỡ có thằng nào đấy dùng mìn đánh sập lò, anh chết là bọn em không chịu trách nhiệm đâu”.
|
Theo Thanh Niên