Sự kiện hot
3 năm trước

Chia nhỏ bất động sản bằng blockchain: Moonka đem lợi nhuận 10% trong 2 tháng cho nhà đầu tư?

Mặc dù được xem là một xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, hình thức đầu tư bất động sản qua blockchain vẫn chưa có hành lang pháp lý để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Lãi suất khủng thu hút nhà đầu tư?

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, mô hình đầu tư chia nhỏ bất động sản bằng blockchain đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư. Thay vì mua một BĐS có giá trị hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng, nhà đầu tư chỉ cần có vài triệu đồng cũng có thể tham gia sở hữu một bất động sản có giá trị lớn. Trong khi tỉ suất lợi nhuận mang về cũng khá hấp dẫn, có thể đạt từ 11-16,5%/năm hoặc cao hơn nữa.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ trước khi tham gia mô hình bất động sản blockchain
Nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ trước khi tham gia mô hình bất động sản blockchain

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (HoREA), mô hình gọi vốn theo hình thức chia nhỏ tài sản đã xuất hiện khá lâu trên thế giới. Mô hình đầu tư mới này có phương thức hoạt động gần tương đồng với Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) áp dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực bất động sản. Hình thức này mở ra thế giới tiền tệ mã hóa tài sản cho những người có nguồn tài chính ít ỏi tham gia thị trường. Có thể xem cách làm này là một giải pháp bổ sung và có triển vọng thay thế linh hoạt cho các phương pháp đầu tư bất động sản truyền thống.

Chia sẻ từ Công ty Moonka, một công ty đang triển khai mô hình đầu tư chia nhỏ bất động blockchain tại Việt Nam “Công ty hiện đang tiên phong trong việc đưa bất động sản vào mua bán trên nền tảng blockchain, khi các bất động sản được chủ đất ký gửi, Moonka sẽ đi tìm các nhà đầu tư để mua chung một bất động sản”.

Ví dụ một căn nhà có giá 3,1 tỉ đồng sẽ được Moonka chia nhỏ khoảng 1.000 phần, gắn mã số blockchain để chào bán, giá mỗi phần là 3,1 triệu đồng. Khách hàng có thể mua 1 hoặc nhiều phần. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại "cổ phần" cho nhau nếu muốn chốt lời. Sổ đỏ được Moonka nắm giữ 24/24 tại văn phòng của công ty và các nhà đầu tư có thể xem sổ đỏ miếng đất bất kỳ lúc nào. Khi đồng ý mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình.

Mới đây, đơn vị này cũng vừa ra thông báo biểu quyết chốt lợi nhuận cho bất động sản Cần Giờ B26 đối với các nhà đầu tư tham gia. Theo thông báo: “Kể từ lúc chính thức mở biểu quyết nhượng quyền bất động sản Cần Giờ B26 vào lúc 22:00 ngày 12/10 cho đến hiện tại, tỷ lệ voting đã đạt 78.1% (trên 51% biểu quyết đồng ý), điều này đồng nghĩa với việc B26 sẽ được chuyển nhượng với mức giá sau cùng là 3.520.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Ba tỷ năm trăm hai mươi triệu đồng), mức lợi nhuận 10% trong vòng 2 tháng so với giá mở bán”.

Thoạt nhìn sẽ thấy BĐS blockchain do công ty Moonka tổ chức đang có mức lãi suất rất hấp dẫn, song bản chất của mô hình đầu tư này vẫn còn khá nhiều rủi ro. Bởi lẽ ở Việt Nam, hình thức đầu tư này chưa có hành lang pháp lý đầy đủ. Đặc biệt, nếu quá trình đầu tư bị thua lỗ, chắc chắn NĐT phải chịu thiệt. Nhưng nếu quá trình đầu tư thành công, có lời, NĐT chưa chắc có quyền sở hữu và sử dụng bất động sản.

Bên cạnh đó, bất động sản được mã hóa có giá trị thực tế ra sao đều do phía công ty định đoạt. Hầu hết các nhà đầu tư đang tham gia đều chỉ quan tậm đến giá trị của “token” mà mình nắm giữ, điều này cũng làm cho nhiều người liên tưởng đến hình thức đầu tư tiền ảo hơn là đầu tư bất đông sản.

Blockchain bất động sản có thể biến tướng thành đa cấp?

Góc nhìn từ các chuyên gia, mô hình đầu tư bất động sản blockchain hiện nay tại Việt Nam giống như hình thức đầu tư tài chính hay nói cách khác là một dạng chứng khoán hóa bất động sản bằng công nghệ.

Moonka thông báo tới các nhà đầu tư tham gia hưởng lợi nhuận 10% trong vòng 2 tháng từ bất động sản Cần Giờ B26
Moonka thông báo tới các nhà đầu tư tham gia hưởng lợi nhuận 10% trong vòng 2 tháng từ bất động sản Cần Giờ B26

Quyền sở hữu pháp lý về BĐS tại Việt Nam là quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và Hiến pháp, Nhà nước vẫn là chủ thể trong quan hệ sở hữu trên giấy tờ. Tuy nhiên, nếu đầu tư theo nền tảng công nghệ chưa được pháp luật công nhận khi sản phẩm xảy ra tranh chấp không thể giao dịch thì quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư sẽ “không cánh mà bay”.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể gặp rủi ro trong trường hợp công ty bị sa lầy và mất khả năng thanh toán. Trường hợp xấu hơn là chính những công ty đó lại mang sản phẩm bất động sản được mã hóa để thể chấp ngân hàng. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về pháp lý cũng như giá trị thật sự của các bất động sản mà mình đầu tư.

Luật sự Nguyễn Văn Hân – Công ty luật Minh Bạch nhận định, đầu tư bất động sản qua blockchain bản chất là một dạng huy động vốn. Thay vì việc góp vốn được thể hiện trên giấy tờ, giờ đây sẽ chuyển sang dạng hợp đồng điện tử. Các nhà đầu tư sẽ được phát hành token để nắm giữ các giá trị của bất động sản.

“Cụ thể hơn đó là việc chẻ nhỏ thành các phần vốn góp, hoặc một phần bất động sản để huy động vốn hợp tác đầu tư linh hoạt hơn. Các ứng dụng được tung ra sẽ thay cho các hợp đồng hợp tác bằng giấy. Những người tham gia đầu tư nên hiểu rằng người góp vốn hoàn toàn không sở hữu hay đứng tên các sản phẩm đầu tư. Chính vì điều này, các nhà đầu tư cần phải cực kỳ thận trọng và tìm hiểu tìm thật kỹ trước khi quyết định đầu tư” Luật sư Hân chia sẻ.

Việc mua chung một sản phẩm, một tài sản là bất động sản đều được pháp luật công nhận, nghĩa là pháp luật thừa nhận quyền sở hữu chung. Tuy nhiên, việc mua chung tài sản là bất động sản thông qua blockchain thì Cơ chế quản lý và pháp luật quy định về luật đất đai không có bất kì điều khoản nào nói về người nắm giữ sẽ là người chủ thực sự của lô đất. Nên người mua token hay các nhà đầu tư phải đủ niềm tin vào những công ty mà mình tham gia.

Một điều đáng lưu ý khi “token” do chính công ty tạo ra rất khó quản lý vì chưa có chế tài kiểm soát cụ thể việc này. Pháp luật không quản lý những người sử dung token vì không ghi nhận trên văn bản người sử dụng nên rất dễ xảy ra mô hình đa cấp, lừa đảo hay còn gọi là mô hình ponzi. Liên hệ thực tế đến những sàn tiền ảo hiện nay đã để lại quá nhiều bài học các nhà đầu tư. Nếu như các cơ quan quản lý không có những động thái giám sát mô hình đầu tư mới thông qua blockchain thì tỉ lệ rủi ro các nhà đầu tư là rất cao.

Hám lợi "sập bẫy" sàn tiền ảo

Trước đó trung tuần tháng 5/2021, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá thành công ổ nhóm đối tượng điều hành 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là: Rforex. com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss. Bên cạnh các sàn bị triệt phá, còn có những sàn tự sập, điển hình như vụ sập sàn ngoại hối Fxtradingmarkets (FX Trading Markets Limited).

Không ít nhà đầu tư bị các sàn tiền ảo đa cấp lừa đảo trắng trợn. Anh T.Hiệp (Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, từng nạp 80 USD vào sàn tiền số Anbibi. Sau hơn một tháng, tài khoản tăng lên 2.680 USD nhưng lại bị đóng băng tài khoản, không thể rút ra.

Hàng trăm người dân đã nộp đơn đến Công an TP. Hồ Chí Minh do bị các đối tượng sàn Coolcat lừa đảo. Theo đó, người đầu tư tiền vào sàn Coolcat sẽ dự đoán giá Bitcoin (tiền mã hóa), giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng, nếu thua 6 lần liên tiếp phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%.

“Các sàn ngoại hối trái phép với lời hứa hẹn lãi suất khủng, hàng trăm phần trăm mỗi năm đều là phương thức lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, thậm chí còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư khi tham gia. Lực lượng chức năng đã liên tục khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia, cũng như không lôi kéo người khác chơi và nạp tiền đầu tư mở các gian hàng ảo, dự đoán thị trường tiền ảo, vàng ảo trên các web, ứng dụng kiếm tiền trực tuyến ảo”, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: