Sự kiện hot
3 năm trước

Chính sách tiền tệ quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam?

Trong buổi Tọa đàm Đầu tư Tài Chính năm 2022 với chuyên đề: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/6 được đông đảo các chuyên gia và nhà đầu tư tham dự, cùng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thị trường tài chính – tiền tệ trong nước và quốc tế.

Picture 1
Tọa đàm Đầu tư Tài Chính năm 2022 - chuyên đề : Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán

Tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho biết: Cách đây 2 tuần Ngân hàng Dự trữ Liên bạng Mỹ đã tăng lãi suất Fed Funds thêm 0,75%, và do đó tăng lãi suất Fed Funds lên mức 1,5-1,75%. Nhiều dự báo cho thấy Fed có thể tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm, do đó lãi suất có thể tăng lên đến 3,4% vào cuối năm nay. Theo dự đoán có thể lên tăng đến 3,8% vào năm 2023 và có thể chỉ giảm vào năm 2024. Có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất trong năm nay và 2023.

Lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm.

Trước lo lắng về vấn đề lạm phát tiếp tục tăng cao, Fed tăng lãi suất với mục đích kềm chế lạm phát. Vì theo quan điểm của Fed, việc tăng lãi suất cùng với việc thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng (quatitative easing), tức là giảm việc mua trái phiếu Chính phủ, sẽ làm giảm cung tiền và từ đó sẽ kiểm soát lạm phát.

Việc Fed tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường tài chính Việt Nam, trong đó có thị trường chứng khoán.

Gặp gỡ thứ Tư] TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một giai đoạn kinh tế tạo đà cho tín  dụng đen hoành hành
TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng phát biểu Online từ Mỹ (nguồn internet)

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc Fed tăng lãi suất đã khiến VN Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22-6, 1 tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất. Có thể thấy, sự suy giảm của thị trường chứng khoán VN bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Kinh tế đang trên đà phục hồi với GDP Quý II dự báo tăng 5,6% cao hơn Quý I là 5%. Lạm phát Quý II dự báo tăng 3,1% so với 1,9% của Quý I/ 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc Fed tăng lãi suất cũng làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên TTCK Việt Nam rút tiền đầu tư tại VN và quay trở về với TTCK Mỹ với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. Hơn nữa, TTCK Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” thì TTCK Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.

Cũng trong buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu đã có nhiều lời khuyên hữu ích cho các nhà đầu tư rằng, đây là lúc các nhà đầu tư chứng khoán nên chọn “ngủ yên” hơn “ăn ngon” với những chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Nên tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định.

Cuối cùng là nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ và chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng.

Còn đối với Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) thì đây là những thách thức của chính sách tiền tệ, Về kiểm soát lạm phát NHNN cần cố gắng duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4%. Tỷ lệ lạm phát dự báo cho Quý II là 3,1%. Việc duy trì lạm phát mục tiêu này sẽ là một thách thức rất lớn.

Còn về hổ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục NHNN cần có những chủ trương cụ thể như; không xiết chặt tín dụng và kềm chế lãi suất vay không cho tăng mạnh. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và hiện đang xin NHNN cấp thêm room tín dụng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chính sách tiền tệ là hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hổ trợ lãi suất 40.000 tỷ.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra một đề xuất khác cho NHNN như Công bố bảng cân đối kế toán của NHNN; nên xem xét việc trở thành một ngân hàng trung ương của Việt Nam thay vì chỉ là một Ngân hàng Nhà nước thuộc Chính phủ.

Cùng với đó là việc công khai hoá bảng cân đối kế toán, thể hiện sự minh bạch của chính sách tiền tệ và giúp các thành phần kinh tế hiểu rõ sự vận hành của một Ngân hàng trung ương Việt Nam.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: