Sự kiện hot
12 năm trước

Chợ tự phát vẫn loạn tại TP.HCM

Hiện các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng không hiệu quả, chỉ đẩy đuổi và thu giữ hàng hoá. Việc xử phạt rất khó khăn do tiền vốn tiểu thương bỏ ra thậm chí chưa bằng tiền phạt và họ chấp nhận bỏ lại hàng hoá.

Hiện các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng không hiệu quả, chỉ đẩy đuổi và thu giữ hàng hoá. Việc xử phạt rất khó khăn do tiền vốn tiểu thương bỏ ra thậm chí chưa bằng tiền phạt và họ chấp nhận bỏ lại hàng hoá.

UBND TP vừa giao Sở Công Thương rà soát số chợ tự phát, nhằm đề xuất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP, loại hình hoạt động này vẫn mọc lên không kiểm soát và khó có thể chấn chỉnh dứt điểm.

Mọc tràn lan

Bình Triệu và Hiệp Bình Chánh là hai chợ chính thống trên địa bàn quận Thủ Đức nhưng từ nhiều năm nay tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhất là vào giờ cao điểm sáng chiều diễn ra phổ biến kéo theo việc xả rác vô tội vạ của người dân, làm mất mỹ quan đô thị.

Ông Huỳnh Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho hay, chợ Bình Triệu có từ trước giải phóng, năm 2005 phường đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Đến nay diện tích chợ dù rộng trên 3.400 m2 vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân và tiểu thương. Phần lớn các hộ dân quanh chợ đều kinh doanh lấn chiếm, chưa kể các chợ cóc trên đường 19, đường Hiệp Bình… mọc lên nhiều năm nay vẫn không xử lý triệt để được.

Chợ tự phát mọc sát bên chợ Tân Định (quận 1), ngang nhiên lấn chiếm khoảng 1/3 mặt đường Nguyễn Hữu Cầu, khiến tình hình giao thông luôn lộn xộn.

Trên đường Võ Duy Ninh (phường 22, quận Bình Thạnh) chợ tự phát luôn trong tình trạng quá tải người mua kẻ bán, giờ tan tầm buổi chiều tối tại ngã ba giao đường Ngô Tất Tố thường kẹt xe cả giờ đồng hồ. Mặt đường đi lại trong chợ hẹp, nước thải từ các quầy hàng thực phẩm tươi sống chảy khắp nơi đen ngòm.

Trên quốc lộ 1A trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) vào giờ tan ca, các khu chợ cóc mọc lên, người bán vô tư bày biện hàng hóa dưới lòng đường. Mật độ xe tải, xe container, xe buýt lưu thông qua tuyến đường này rất đông, cộng với giờ cao điểm hàng ngàn công nhân ra về mua hàng, khiến tình hình giao thông rất phức tạp, thường xuyên xảy ra va quệt.

Theo thống kê từ Sở GTVT TP, hiện TP có 116 tuyến đường còn xảy ra tình trạng giao thông lộn xộn, lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, gây bức xúc cho người dân, đơn cử: Đường Lê Hồng Phong, Đào Duy Từ, Hưng Long (quận 10); đường Đỗ Quang Đẩu, Nguyễn Hữu Cầu (quận 1); đường Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)…

Không thể dẹp hết

Ông Huỳnh Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND Hiệp Bình Chánh, thừa nhận, thời điểm này không thể giải toả các chợ tự phát trên mà chỉ sắp xếp kinh doanh đúng nơi quy định và kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm ra đường. Thực tế địa bàn phường có số lượng lớn dân lao động thu nhập thấp, họ lấy hàng từ chợ đầu mối về bán rong, hễ chỗ nào rộng mặt bằng là họ bày biện. Trong khi thói quen người dân từ xưa tới nay vẫn ưa mua bán “chợ trời”, vừa tiện vừa rẻ.

Hiện nay các biện pháp chế tài không căn cơ, chỉ dẹp đuổi và thu giữ hàng hoá, còn xử phạt rất khó khăn do tiền vốn họ bỏ ra thậm chí chưa bằng tiền phạt và họ chấp nhận bỏ hàng hoá. Mặt khác, lực lượng thanh tra phường và đội trật tự các khu phố quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm nhưng do quân số mỏng, chợ quá nhiều nên chỉ chủ yếu ra quân vào giờ cao điểm.

Trên đường Võ Duy Ninh (phường 22, quận Bình Thạnh) chợ tự phát luôn trong tình trạng quá tải người mua kẻ bán.

Quận và phường đang có chủ trương vận động các hộ kinh doanh có đất đai mở cửa hàng bình ổn giá rất an toàn chất lượng, giá cả phải chăng. Hiện phường có 3 địa điểm là HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hiệp Bình Chánh và 2 cửa hàng do tư nhân mở vào cuối năm 2011.

Theo số liệu từ Sở Công thương TP, tính đến đầu tháng 6/2012, trên địa bàn TP có 175 điểm, khu vực mua bán tự phát như: quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú… Theo quy hoạch đến năm 2015, TP sẽ phát triển thêm 5 chợ mới và sẽ giải tỏa, chuyển đổi công năng 37 chợ.

Trên treo băng rôn cấm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nhưng dưới thì ngược lại.

Sở Công thương TP cũng thông tin, đã chỉ đạo, đề nghị các UBND quận, huyện nhanh chóng triển khai kế hoạch giải tỏa các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để phát sinh điểm mới trên địa bàn.

Thế nhưng hiện vẫn còn một số trường hợp giải quyết chưa dứt điểm do đặc thù kinh doanh tự phát là “buôn gánh bán bưng”, di chuyển bằng xe đẩy, xe thô sơ, khi lực lượng chức năng triển khai giải tỏa lại di chuyển sang nơi khác.

Hơn nữa, loại hình buôn bán này không phải đóng bất kỳ một khoản thuế và phí nào (thuê mặt bằng, thuê sạp...). Đặc biệt việc buông lỏng quản lý, thiếu cương quyết trong việc thực hiện giải tỏa những điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường ngay từ khi mới nhen nhóm hình thành và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng là những nguyên nhân của tình trạng này..

 Giang Uyên
Theo Infonet

Từ khóa: