Hà Nội dự kiến dừng xây nhà thương mại đến 2015 do còn hàng nghìn căn hộ tồn kho.
Ảnh: L.M
Úng ngập bởi nhân tai?
Là người đầu tiên được mời cho ý kiến tại hội nghị, GS.TS Phạm Ngọc Đăng nêu quan điểm: “Tôi không hiểu vì sao trong chương trình khi nói về diện tích bình quân nhà ở của Hà Nội lại so sánh với Cần Thơ, Hòa Bình, Cà Mau? Sao không so sánh với TPHCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng, hoặc so sánh với Bình Dương về xây nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp để thấy được mặt mạnh hay kém của Hà Nội?”.
|
Theo dự thảo chương trình, Hà Nội dự kiến phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đến năm 2015 đạt 23,1m2/người; đến năm 2020 là 26,3m2/người; đến năm 2030 là 31,5m2/người. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015, mỗi năm chỉ tiêu tăng bình quân gần 0,4m2/người; từ năm 2016 đến năm 2020, mỗi năm tăng 0,63m2/người; từ năm 2021 đến 2030, mỗi năm tăng gần 0,53m2/người.
|
|
Theo ông Đăng, cả thập kỷ qua, các chủ đầu tư bất động sản chỉ tập trung vào nhà ở thương mại để kiếm lợi. Do đó, tuy tỷ lệ diện tích bình quân về nhà ở của Hà Nội có tăng nhưng tỷ lệ người sống trong nhà tạm bợ hay diện tích tối thiểu không giảm bớt. Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch về diện tích giữa người giàu và người nghèo ở Hà Nội ngày càng tăng.
Việc các nhà đầu tư chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt cũng là một trong các nguyên nhân chính gây nên tình trạng úng ngập và ô nhiễm của Hà Nội, GS.TS Phạm Ngọc Đăng dẫn chứng: “Theo ước tính của chúng tôi, Hà Nội có khoảng 200 khu đô thị mới nhưng chỉ 10% có xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn còn lại hầu như đổ thẳng ra sông hồ. Phát triển đô thị đã không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Hà Nội úng ngập là điều đương nhiên, là nhân tai chứ không phải thiên tai”.
Cũng theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, việc tính toán, xác định, đề ra các chỉ tiêu phát triển nhà ở trong chương trình còn qua loa, thiếu tính khoa học nên không khả thi. Đặc biệt việc đưa ra chỉ tiêu nhà ở xã hội, thu nhập thấp, công nhân, sinh viên đến năm 2015 là 3,215 triệu m2, trong khi chỉ còn 2 năm để thực hiện là điều không tưởng
“Quên” nhà của nông dân
Đa số các nhà khoa học khi phản biện ý kiến đều cho rằng chương trình đã không quan tâm đến xây dựng nhà ở cho nông dân, đối tượng chiếm khoảng 40% dân số và khoảng 60% diện tích đất của Thủ đô. Các đại biểu đã đề nghị cần coi nhà ở cho nông dân là một phần trọng tâm trong chương trình, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa làng xã đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
TS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội) cho rằng, chương trình chỉ nói đến giải quyết nhà ở cho nông dân diện hộ nghèo, nhưng “không đả động” đến hàng triệu nông dân đang là công dân Thủ đô. “Phải coi nhà ở nông dân là vấn đề lớn, trong bối cảnh gần 11,5% nhà ở của nông dân Hà Nội hiện nay là thiếu kiên cố không đảm bảo môi trường, vậy chúng ta giải quyết thế nào? Chú trọng cho người giàu đến ở các khu đô thị, vậy có chú trọng đến nông dân hay không?”, TS Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đưa ra một con số đáng chú ý, trong 15 năm qua Hà Nội chỉ cải tạo được 4 ngôi nhà cổ trong tổng số khoảng trên 200 căn nhà cổ (khu vực phố cổ Hà Nội) cần cải tạo. Chương trình cần đưa phố cổ, phố cũ, làng cổ, làng nghề vào để có định hướng, quy hoạch bảo tồn và phát triển, bởi nếu không có phố cổ, phố cũ, làng cổ, làng nghề thì đô thị Hà Nội không có gì khác các đô thị khác trên cả nước. Hơn thế, “bài học làng cổ Đường Lâm” vừa qua đã rất rõ, khi chúng ta đặt việc bảo tồn và phát triển của các làng cổ, làng nghề ra ngoài sự phát triển chung của đô thị.
Trước việc chương trình đặt ra vấn đề tạm dừng phát triển nhà ở thương mại đến 2015, TS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị: “Không nên đặt vấn đề dừng xây dựng nhà ở thương mại từ nay đến 2015 như trong chương trình nêu mà phải nói tiếp tục phát triển nhưng có trọng điểm. Bởi nhà ở thương mại đóng góp một tỷ trọng rất lớn cho tăng trưởng KT-XH”.
Lê Minh
theo GĐ&XH