Sự kiện hot
7 năm trước

Chuyện về phía sau 2.000 chiếc đò chở khách du lịch ở Tràng An

Ít ai biết được rằng phía sau 2.000 chiếc đò chở khách ở khu du lịch sinh thái Tràng An lại là một câu chuyện kể dài. Đó là tâm sự, là nỗi niềm của người chở đò nơi đây.

Khu di lịch sinh thái Tràng An nằm trong nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã được UNECO vinh danh công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Nhiều du kách khi đến với Tràng An choáng ngợp trước cảnh non sông nước biếc nơi đây, cả một vùng núi non hùng vĩ, uốn lượn quanh co, tạo nên chất thơ mộng rất trữ tình.

Đò đưa chúng tôi lần lượt ghé thăm các địa danh, hang động nổi tiếng tại Tràng An như: hang địa linh, hang tối, hang sáng, hang nấu rượu… Người chở đò tên Trọng (khoảng ngoài 40 tuổi) khuôn mặt rám nắng, khắc khổ, ông Trọng rất nhiệt tình chỉ dẫn để du khách có thể hiểu hơn vùng đất mang vẻ đẹp kỳ vĩ này.

Ông Trọng chia sẻ: “Nhiều du khách khi đến đây chưa hiểu hết về Tràng An, cũng như con người nơi đây, do đó mỗi lần chở khách tôi lại giới thiệu về vùng đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ở Tràng An này, từng hang động, ngọn núi tôi đều nắm trong lòng bàn tay bởi từ nhỏ tôi có đã theo ông cha vào đây đánh cá mưu sinh”.

Ông Trọng người chở đò cho khách du lịch ở Tràng An.

Vừa nói vừa cười, ông Trọng lần lượt chỉ dẫn cho khách về tiểu sử của các hang động, địa danh mà đò đi qua.

Thế nhưng, khi hỏi về cuộc sống của của những người lái đò nơi đây, ông Trọng ngập ngừng rồi tâm sự: “Khoảng những năm 2001, ruộng của 2.000 hộ dân bị thu hồi để phục vụ cho việc quy hoạch làm khu du lịch sinh thái Tràng An, kể từ đó những người nông dân không còn ruộng, thay vào đó là nghề chở khách du lịch, 2.000 hộ dân ở đây mỗi hộ được cấp 1 chiếc đò để phục vụ chở du khách.

Theo ông Trọng, đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quê hương, để người dân có điều kiện mở mang kiến thức, giao lưu với nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài.

“Chúng tôi là những người nông dân quanh năm với ruộng đồng nào biết đến thế giới bên ngoài là gì, từ khi Tràng An mở cửa đón khách du lịch, trình độ dân trí của người dân ở đây được nâng cao hẳn lên, còn kinh tế của những người chở đò như chúng tôi thì...”, ông Trọng bỏ lửng câu nói.

Nghề chở đò ở Tràng An khá vất vả, người lái phải như một nghệ sĩ thực thụ, bởi nhiều hang động có mô đá nhấp nhô trên đầu, có đoạn chỉ vừa lọt đúng một chiếc đò. Do đó, người lái đò phải làm sao lái thật chuẩn xác, vừa để lách qua “cửa ải”, vừa để du khách không bị đập đầu vào đá.

Ít ai biết được rằng phía sau 2.000 chiếc đò chở khách ở khu du lịch sinh thái Tràng An lại là một câu chuyện kể dài.

Công việc chở đò của những như ông có khi phải chèo liên tục 3h đồng hồ, nhưng mỗi chuyến như vậy những người lái đò chỉ được trả 200.000 đồng và không phải về đến bến là có khách mà phải chờ 1.999 chiếc đò khác chở khách đi rồi mới đến lượt mình.

Ông Trọng chia sẻ: “Đò có số thứ tự, ai đến lượt mới được chở khách, cô chú bảo 2.000 chiếc đò thì bao giờ mới tới lượt, vào mùa lễ hội trung bình mỗi ngày tôi chở được một chuyến, còn những ngày bình thường thì một tuần được một chuyến, tiền mỗi chuyến đò có đáng là bao, ai may mắn thì được khách thương tình cho thêm vài đồng”.

Với thu nhập không ổn định từ nghề chở đò cho khách du lịch, ông Trọng cho biết vào những hôm không chở đò cho khách, ông phải đi phụ hồ để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Trước kia người dân nơi đây ngoài việc cấy hái còn có thêm nghề đánh bắt tôm cá để bán, nhưng kể từ khi bị cấm đánh bắt tôm cá, nhiều người đã phải bỏ quê đi làm ăn xa.

“Tôm cá ở đây nhiều lắm, ngày trước cứ cấy hái xong là chúng tôi lại đánh bắt tôm cá, nên cuộc sống cũng tạm ổn.Từ khi bị cấm, nhiều người đã phải đi xa quê đi làm thuê, trông chờ vào việc chở đò cho khách thì được là bao”, ông trọng phân trần.

Chia tay ông Trọng - người lái đò thân thiện, chúng tôi trăn trở về câu chuyện phía sau 2.000 chiếc đò chở khách du lịch, ít ai biết được rằng đằng sau những chiếc đò đó lại là một câu chuyện kể dài, đó là tâm sự, nỗi niềm của người chở đò nơi Tràng An.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Đức Kim, Chủ tịch xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cho biết, nhiều năm về trước ruộng của người dân các xã Ninh Xuân, xã Trường Yên và xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) bị thu hồi để phục vụ cho việc quy hoạch làm khu du lịch sinh thái Tràng An, mỗi hộ gia đình sau đó được cấp 1 chiếc đò để phục vụ chở khách du lịch (trong đó xã Ninh Xuân có khoảng 600 chiếc đò).

Cũng theo ông Kim, những chính sách hỗ trợ cho người người dân hiện chưa có, chính quyền xã chỉ xác nhận về mặt hồ sơ giấy tờ, đảm bảo về mặt pháp luật. Đồng thời hướng dẫn bà con lái đò thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc chở khách du lịch tới tham quan.

“Về hỗ trợ tiền cho bà con hiện không có gì, phía doanh nghiệp vừa rồi họ đã tiếp tục rà soát lại những người lái đò thông qua độ tuổi, hình như sắp tới có chính sách mới. Chúng tôi qua những lần tiếp xúc cử tri ở huyện cũng đã có kiến nghị chỗ doanh nghiệp nên thành lập công đoàn để bảo vệ quyền hợp pháp chính đáng cho bà con”, ông Kim nói

Phi Hùng

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: