Sự kiện hot
12 năm trước

“Cò” chung cư rẻ lại tưng bừng hốt bạc

Một thương vụ mua bán thành công, “cò” thường kiếm khoảng vài chục triệu đồng, có khi còn nhiều hơn.

Một thương vụ mua bán thành công, “cò” thường kiếm khoảng vài chục triệu đồng, có khi còn nhiều hơn.

Cùng với việc chung cư giá rẻ đang trở thành xu thế và sốt trở lại, nghề “cò” bất động sản (BĐS) tưởng chừng như đã “chết” bỗng dưng lại hốt bạc ngay giữa thời khó.


“Cò” Đoàn cho biết, còn có cả chục căn hộ ở Đại Thanh để giới thiệu bán cho khách trong khi công trình còn đang thi công. Ảnh: T.G

Sống dậy nhờ chung cư giá rẻ

Thấy chúng tôi tìm mua căn nhà giá dưới 15 triệu đồng/m2, Đoàn - một “cò” BĐS tự giới thiệu đang làm ở Sàn BĐS Mường Thanh nói: “Anh cần căn nhà kiểu gì, chúng em sẽ tìm được cho anh”. Vừa nói, Đoàn vừa rút ra một tờ giấy có ghi danh sách dài và đọc vanh vách: “59,8m2, hướng đông nam; 66,12m2, hướng tây bắc… giá gốc”. Đoàn cho biết, anh nắm đầu mối hàng chục căn khác, kể cả đã bàn giao nhà, kể cả những căn đang thi công. Anh cũng cam đoan sẽ bán cho chúng tôi với giá gốc mà chủ đầu tư đưa ra, nhưng tiền chênh lệch lên tới 100 triệu đồng. Khi chúng tôi chê tiền chênh quá cao, Đoàn phân trần: “Chúng em chỉ bán hộ người khác. Giá đó là giá của chủ nhà. Tiền chênh lệch cao bởi phí chuyển nhượng sang tên hợp đồng đã mất 20 triệu đồng”.

Sau khi chúng tôi không thỏa thuận được giá cả, gần như ngay lập tức có một số điện thoại lạ gọi tới. Đầu máy bên kia là một “cò” BĐS khác, tự giới thiệu có căn hộ 66,12m2 ở tầng cao hơn tầng chúng tôi vừa hỏi Đoàn và hẹn gặp. Hỏi kỹ giá cả, chúng tôi được “cò” này cung cấp, cũng giá 13 triệu đồng/m2, giá gốc của chủ đầu tư, nhưng tiền chênh lệch lên tới 110 triệu đồng. Vì giá chênh lệch quá cao, chúng tôi đành phải bỏ cuộc.

Sáng ngày hôm sau, quay lại sàn BĐS Mường Thanh, tình cờ chúng tôi phát hiện thấy Đoàn và một số người khác đang ngồi uống nước với nhau, trong đó có cả tay “cò” hôm qua đã gọi điện giới thiệu nhà cho chúng tôi. Thì ra, đó là một nhóm “cò” câu kết với nhau làm ăn. Họ giả vờ như làm ăn độc lập, nhưng thực tế là chiêu bài tung hỏa mù tiền chênh lệch để đánh lừa người mua.

Công việc của các “cò” BĐS ban đầu nghĩ đơn giản nhưng thực tế cũng rất mất thời gian. Hàng ngày họ lên mạng internet tìm kiếm những lô đất, những căn hộ mà khách hàng muốn bán, thậm chí phải đi lang thang khắp nơi tìm những tờ rơi người dân có nhà đất rao bán dán trên tường rào để liên hệ làm trung gian. Những năm gần đây, nghề “cò” BĐS tưởng chừng như chết hẳn, khi thị trường BĐS bị đóng băng trong thời gian dài khiến rất nhiều “cò” BĐS đã phải chuyển nghề kiếm sống. Nhưng thời gian gần đây, khi các công trình nhà chung cư giá rẻ liên tiếp được xây dựng và chào bán, nghề “cò” lại trở thành một nghề kiếm bộn tiền.

Luật ngầm của “cò”

Anh Nguyễn Văn Sơn (ở Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cách đây hơn 1 năm, tôi đã mua một căn ở tầng 18 CT8C, chung cư Đại Thanh. Lúc đó, tuy chủ đầu tư mới mở bán, nhưng “cò” đã “ôm” hết nhà. Tôi phải mua qua một tay “cò” với phí chênh lệch 40 triệu đồng. Suốt 1 năm nay, thỉnh thoảng tay “cò” lại điện thoại hỏi xem có ý định bán nhà hay không”. Anh Sơn cho biết, “cò” thỏa thuận là bán nhà đi thu đủ tiền về cho chủ nhà. Lời lãi nhờ vào tiền chênh bán được do “cò” và chủ nhà thỏa thuận. Có những chủ nhà cần bán nhà gấp, tiền chênh được thỏa thuận chủ nhà/“cò” là 50/50, thậm chí là 30/70. Như vậy, ngoài việc nhận tiền công bán nhà, “cò” đút túi số tiền lên tới 30- 40 triệu đồng sau khi đã bao phí sang tên đổi chủ.

Một trong những luật bất thành văn của “cò” khi làm việc là không tiết lộ thông tin người bán. Để trấn an người mua nhà, “cò” sẵn sàng viết một cam kết với nội dung phạt gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần nếu đúng hẹn không làm được thủ tục sang tên đổi chủ cho người mua. “Luật” này chẳng có gì khó hiểu. Nhiều “cò” đã nói trắng phớ luôn với người mua rằng: “Để chúng em kiếm ít tiền công”. Quả thật, việc tìm được một căn nhà đẹp có thể thu hút khách hàng hiện nay không phải chuyện dễ, bởi cũng có hàng trăm nhân viên “cò” của các công ty kinh doanh BĐS khác hàng ngày cũng đi săn tìm những nguồn hàng như thế. Không ít khách đến lân la thông tin để liên hệ với chủ nhà với hy vọng làm việc với chủ nhà mức giá sẽ tốt hơn, nhưng điều đó không qua được mắt các “cò” BĐS. Vì vậy, ngay sau khi có sản phẩm tốt thì việc rao bán và che giấu những sản phẩm “độc quyền” để những “cò” khác không thể lần tìm ra địa chỉ và cuỗm mất cũng là cả một nghệ thuật đầy lắt léo của mỗi “cò”.

Bà Nguyễn Tố Nga vừa mua được căn hộ tầng 12, CT8 Đại Thanh kể: “Đến lúc hoàn tất hợp đồng chúng tôi mới gặp được chủ cũ, người bán căn hộ cho mình. Theo giao kèo trước của “cò”, hai bên không được hỏi lại chuyện giá nhà, tiền chênh. Mà có hỏi lại hay không cũng có giải quyết được gì khi thủ tục đã hoàn tất. Mua nhà bây giờ, cứ xác định mất một khoản tiền kha khá cho những người dẫn dắt mối lái kiểu này”. Điều đang nói hơn, khi bà Nga mới làm hợp đồng mua nhà ở tầng hai, chữ ký chưa kịp ráo mực, xuống tầng một, các “cò” đã xin số điện thoại và dặn lúc nào bán lại thì “alo”.

Có một luật bất thành văn trong giới “cò” BĐS là những bí mật nghề nghiệp của “cò” thì chỉ những người trong giới mới biết. Ai cũng biết rằng “cò” nhà đất sống bằng tiền phần trăm và tiền chênh lệch trong việc làm trung gian mua bán nhà đất. Nhưng, không phải ai cũng biết những mánh khóe của “cò”. Để bán được một căn nhà là cả một nghệ thuật.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: