Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) công bố kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng đầu năm 2020 với doanh thu đạt 48,6 nghìn tỷ đồng (-16,2%) và lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) đạt 6,1 nghìn tỷ đồng (-31,3%), chủ yếu đến từ sản lượng khí thương phẩm giảm khoảng 10% và giá dầu nhiên liệu trung bình giảm 39,6%.
Trong quý 3/2020, doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt giảm 16,3% YoY và 29,8% YoY, do sản lượng khí thương phẩm và giá dầu nhiên liệu lần lượt giảm 6,1% YoY và 33,2% YoY. Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận thấy lợi nhuận quý 3 cải thiện so với quý 2 sau khi giá dầu phục hồi.
Doanh thu và lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt hoàn thành 76,9% và 85,6% dự báo cả năm của VCSC. KQKD này cao hơn kỳ vọng của VCSC chủ yếu nhờ giá dầu trung bình quý 3 và giá khí bán cho các khu công nghiệp (KCN) cao hơn dự kiến.
VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo năm 2020, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi xin trích lược báo cáo phân tích của VCSC như sau:
Giá dầu Brent và giá dầu nhiên liệu quý 3/2020 vượt kỳ vọng của VCSC. VCSC lưu ý rằng giá dầu nhiên liệu và giá LPG đã phục hồi nhanh hơn dự báo của VCSC trong quý 3 so với quý 2. Tuy nhiên, giá dầu nhiên liệu và giá LPG trung bình trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt lần lượt 237 USD/tấn và 393 USD/tấn, cao hơn 7,4% và 3,9% dự báo cả năm của VCSC.
Giá khí bán cho các KCN cao hơn dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính của công ty con của GAS là PGD, giá khí trung bình bán cho các KCN trong 9 tháng đầu năm 2020 là 8,4 USD/triệu BTU (-2,8% YoY), cao hơn 19,4% so với dự báo năm 2020 hiện tại của VCSC là 7,0 USD/triệu BTU.
Sản lượng khí thương phẩm 9 tháng đầu năm 2020 giảm 9,8% YoY, tương đối phù hợp với dự báo của VCSC. Sản lượng khí khô 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,8 tỷ m3 (-9,8% YoY) và hoàn thành 72,2% dự báo cả năm của VCSC.
Trong quý 3/2020, sản lượng khí thương phẩm đạt 2,2 tỷ m3 (-6,1% YoY), chủ yếu đến từ: Nhu cầu từ các nhà máy điện giảm khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động thủy điện do các điều kiện thời tiết thuận lợi; Nhu cầu từ các KCN thấp hơn do tác động kéo dài của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng sản lượng cao hơn trong quý 4, đến từ sự phục hồi của hoạt động kinh tế.
Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS năm 2020 ước tính của GAS. Tại cuộc họp NĐT diễn ra ngày 21/10/2020, GAS công bố số liệu ước tính cho KQKD năm 2020, bao gồm doanh thu đạt 63,3 nghìn tỷ đồng (-15,6% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 7,9 nghìn tỷ đồng (-33,3% YoY). Con số LNST sau lợi ích CĐTS này cao hơn 10,7% dự báo năm 2020 hiện tại của VCSC.
Đồng thời, GAS kỳ vọng hoàn thành quá trình thi công mỏ khí ngoài khơi Sao Vàng – Đại Nguyệt vào tháng 11 và hoàn tất đường ống khí Nam Cơn Sơn 2 – giai đoạn 2 vào tháng 12, do đó, dòng khí đầu tiên sẽ được khai thác vào tháng 12 so với dự báo hiện tại của VCSC là tháng 5/2021.
Bên cạnh kế hoạch cổ tức tiền mặt ở mức 3.000 đồng/CP, GAS đã trình đề xuất lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) nhằm chia cổ tức cổ phiếu 20% và đang chờ phê duyệt. Tất cả các diễn biến trên cho thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo năm 2020 của VCSC.
Kế hoạch sơ bộ cho năm 2021. GAS đặt mục tiêu sản lượng khí thương phẩm năm 2021 đạt 9,5 tỷ m3 – cao hơn 2,6% so với năm 2020 và tương ứng 92% dự báo cả năm của VCSC.
Tính theo doanh thu và lợi nhuận ròng, GAS đưa ra 2 kịch bản giá dầu:
1) Với giá dầu ở mức 40 USD/thùng, GAS đặt mục tiêu doanh thu đạt 67 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 6,2 nghìn tỷ đồng;
2) với giá dầu ở mức 45 USD/thùng, GAS đặt mục tiêu doanh thu đạt 69 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 6,8 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, GAS dự kiến chia cổ tức tiền mặt ở mức 2.000-3.000 đồng/CP trong năm 2021. VCSC cho rằng các kế hoạch này là khá thận trọng. Tuy nhiên, đối với kịch bản giá dầu ở mức 45 USD/thùng, VCSC nhận thấy doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS cao hơn con số năm 2020, cho thấy công ty cũng kỳ vọng sự phục hồi trong năm 2021.
Nhiều dự án LNG đang trong kế hoạch. Thứ nhất, tiến độ xây dựng trạm LNG Thị Vải hiện nhanh hơn 1 đến 2 tháng so với kế hoạch của công ty là sẽ bắt đầu vận hành trong quý 3/2022. GAS cũng đang trao đổi với OIL về việc mua thêm cổ phần tại Petec để GAS có thể có quỹ đất lớn hơn và tăng công suất của trạm LNG Thị Vải từ 1 đến 3 triệu tấn/năm (triệu TPA).
Thứ hai, GAS có kế hoạch đầu tư một số dự án LNG:
1) GAS đang chờ phê duyệt nghiên cứu khả thi cho trạm LNG Sơn Mỹ từ PetroVietnam – dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024;
2) tại miền Nam, GAS đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với VinaCapital để phát triển dự án trạm LNG Long An nhằm cung cấp LNG cho nhà máy điện Long An 1 và 2;
3) tại miền Bắc, GAS đã trình đề xuất lên UBND tỉnh Hải Phòng để phát triển 1 dự án LNG với công suất 1 đến 2 triệu tấn/năm.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU