Sự kiện hot
3 năm trước

Công an Hà Nội sẽ cấp, kiểm tra giấy đi đường có mã QR Code

Mới đây, Công an TP. Hà Nội có văn bản hoả tốc gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã... về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với Công an TP trong triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện QR code.

Các Tổ tự quản, Tổ Covid cộng đồng tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng

Các Tổ tự quản, Tổ Covid cộng đồng tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng - Ảnh: Công an Hà Nội.

Ngày 3/9, Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã ký văn bản hỏa tốc số 6445, gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn liên quan việc triển khai phần mềm "Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện".

Công an TP Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho người đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn TP (gọi tắt là phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện).

Công an TP đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung nguồn lực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất để sử dụng phần mềm này.

Theo dự kiến, quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp giấy đi đường có nhận diện với tổ chức, doanh nghiệp gồm các bước:

Về quy trình cấp giấy đi đường cho tổ chức, tổ chức đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực; cảnh sát khu vực thẩm định và chuyển lên cán bộ xã, phường. Hệ thống sau đó sẽ gửi mail xác nhận để tổ chức gửi email danh sách cán bộ cần cấp giấy đi đường và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định.

Khi nhận được danh sách từ tổ chức gửi đến, cán bộ cấp phường sẽ duyệt hoặc từ chối sau đó gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường đóng dấu xác nhận. Trường hợp không được duyệt, cán bộ xã, phường cũng phải gửi mail thông báo lại cho tổ chức được biết.

Về quy trình với cá nhân, người dân đăng ký đề nghị cấp giấy đi đường với cảnh sát khu vực nơi cư trú; cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định thông tin và gửi danh sách cho cán bộ cấp phường để xét duyệt hoặc từ chối. Khi giấy đi đường được duyệt, cán bộ xã sẽ gửi lại cho công an để đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận giấy đi đường đã đóng dấu gửi cho công dân.

Quy trình cấp thẻ đi chợ, siêu thị, cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn quản lý sau đó gửi danh sách cho cán bộ phường để xét duyệt hoặc từ chối. Cán bộ phường sau đó gửi lại thẻ đi chợ đã được duyệt cho công an để đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận thẻ đã đóng dấu gửi lại cho đại diện hộ gia đình.

Sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

"Vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để. Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn là "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".

Ánh Tuyết

Theo KTDU

Từ khóa: