Những bức ảnh chụp một nam thanh niên mặc áo ba lỗ đứng, ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám xuất hiện trên một tài khoản Facebook đã khiến cư dân mạng vô cùng bất bình.
Những bức ảnh chụp một nam thanh niên mặc áo ba lỗ đứng, ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám xuất hiện trên một tài khoản Facebook đã khiến cư dân mạng vô cùng bất bình.
Nam thanh niên mặc áo ba lô đứng cả hai chân lên đầu rùa trong Văn Miếu
– Quốc Tử Giám
Được biết những bức ảnh này được chụp vào ngày 12/7 – trước đợt thi CĐ và xuất hiện trên trang Facebook có tên Trung Kien Mai. Trong ảnh, một nam thanh niên mặc áo ba lỗ, quần jean, trông rất sành điệu đang tạo dáng đứng cả hai chân lên đầu rùa. Tiếp đó là một bức ảnh khác chụp nam thanh niên này ngồi vắt chân chữ ngũ trên đầu rùa.
Sau khi 2 bức ảnh được lan truyền trên các trang web, rất nhiều cư dân mạng đã kịch liệt chỉ trích hành động của nam thanh niên này. Nhiều người cho rằng ở một nơi linh thiêng như Văn Miếu thì hành động này là “vô học”, “thiếu ý thức”, “văn hóa kém”… Thậm chí có người còn cho rằng chỉ riêng cách ăn mặc của nam thanh niên này cũng đã đáng lên án. Và nếu đây là một thí sinh đi thi thì người này “không xứng đáng đỗ bất cứ trường nào” – các cư dân mạng nhận xét.
“Những người có học chưa chắc đã có văn hóa, dám mặc áo ba lỗ vào những nơi linh thiêng như thế là không chấp nhận được, đằng này dám đứng và ngồi trên đầu của cụ rùa như vậy! Cần phải xử thật nghiêm cả người chụp nữa!” – một người đọc viết.
“Một nơi linh thiêng và cao quý như vậy mà có kẻ vô giáo dục, vô văn hóa làm hoen ố như vậy. Hành động này đã làm xấu đi hình ảnh không chỉ của Văn Miếu mà là của cả Văn hóa nước ta. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra và xử lý thật nghiêm hành động vô văn hóa này để răn đe kẻ khác”.
Những hình ảnh này đã bị cộng đồng mạng phản đối và lên án mạnh mẽ
Trong khi đa số cư dân mạng đều phản đối, chỉ trích và lên án hành động thiếu ý thức này thì một thành viên lại có góc nhìn khác: “Cái con rùa đá ấy hàng trăm năm nay với dân gian vẫn chỉ là con rùa thôi. Từ dạo trong phim Bao công của Trung Quốc có nhân vật ông Rùa thì ở nước mình cũng gọi lên thành cụ. Chúng mình vẫn tự hào là con Rồng cháu Tiên cơ mà…”.
Theo thành viên này thì nếu nam thanh niên kia mắc lỗi thì là lỗi “xâm phạm các quy định bảo vệ di tích và nhận thức văn hóa kém. Còn nếu có tội bất kính, phải nói là mắc tội bất kính với bậc tiền nhân mà tấm bia tiến sĩ của Ngài đang được con rùa kia cõng, chứ không phải là tội bất kính với con rùa.
“Báo chí cứ làm ầm lên như thế. Nhưng chỉ thấy viết "xúc phạm cụ rùa" mà không nhắc gì đến tấm gương phấn đấu học hành của người được khắc tiểu sử lên bia đá, chẳng hóa ra con rùa kia cao quý hơn Ngài Tiến sĩ mà nó đang đội bia hay sao? Rồi đến mùa thi, ai cũng đến sờ rùa lấy may chứ mấy người đến để nghe giảng giải về cuộc đời sự nghiệp của các bậc tiền nhân hiển hách. Nước Nam mình còn lầm than cũng phải!” Ý kiến của thành viên này cũng được một số người tán thành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “đã là nơi linh thiêng thì bất cứ thứ gì ở đó cũng đều linh thiêng và cần được tôn trọng”.
Trong khi đó, sau khi nhận được nhiều lời chỉ trích, chủ nhân trang Facebook này chỉ phản hồi gọn lỏn: “Xác định không đỗ nên mới nhảy lên đây ngồi chứ!”
Tình trạng cứ đến mùa thi là các sĩ tử khắp nơi kéo đến Văn Miếu với hi vọng được sờ đầu rùa lấy may năm nào cùng diễn ra. Ban quản lý Văn Miếu cũng đã thực hiện các biện pháp bảo vệ như tạo vòng vây quanh khu vực bia đá, bố trí sinh viên tình nguyện đứng gác… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những biện pháp này cần mạnh tay hơn, ví dụ như tăng mức tiền phạt hoặc đưa ra những hình phạt cụ thể thay vì ra sức ngăn cản người tham quan tiếp xúc với hiện vật.
Nguyễn Thảo
Theo Vietnamnet