Kết thúc phiên 14/9, VN-Index giảm 1,73 điểm (giảm 0,13%) xuống 1.339,7 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE tiêu cực với 212 mã tăng, 48 mã tham chiếu, 239 mã giảm giá. HNX-Index giảm 1,19 điểm (giảm 0,34%) xuống 347,86 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 206 mã tăng, 35 mã tham chiếu, 94 mã giảm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn trong phiên 14/9 suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khối lệnh 857 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 21.146 tỷ đồng.
Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 15/9/2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)
Theo quan điểm của BSC, xu hướng giao dịch giằng co tiếp tục trong phiên 14/9 với kết quả điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên. Dòng tiền đầu tư co cụm vào 1 số ngành nhất định khi chỉ có 6/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước.
Các ngành hạn chế đà giảm của thị trường là: Du lịch giải trí (Hàng không), Thực phẩm và đồ uống, Công nghệ thông tin. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản suy yếu cùng với việc VN-Index vận động trong biên độ hẹp cho thấy các nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng khi HĐTL tháng 09 đáo hạn vào ngày 16/09 và các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục.
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)
Theo MBS, thị trường vẫn dao động đi ngang nhưng phần lớn cổ phiếu bị thiệt hại, đặc biệt ở nhóm bluechips. Ngược dòng thị trường là nhóm smallcap vẫn đang đi tìm đỉnh cao mới, dòng tiền đầu cơ ở nhóm này vẫn khá sôi động.
Về kỹ thuật, ngưỡng 1.350 điểm cũng là mức hồi về mức cản Fibonacci 61,8% nên thị trường có sự thận trọng. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong vùng 1.330 – 1.350 điểm. Nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, tích lũy cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Vẫn đang trên đà điều chỉnh chung, TTCK chưa có dấy hiệu tăng trưởng trở lại. Nhưng điểm đặt biệt là nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn có sức hút mãnh liệt. Sự phân hóa này cho thấy dòng tiền đang tìm đến những cổ phiếu chưa tăng trưởng trong những tháng vừa qua và bị quên lãng trong một thời gian dài.
VDSC nhận thấy dấu hiệu này vẫn chưa chấm dứt mặc dù TTCK vẫn trong quá trình giảm điểm. Do đó các NĐT có thể tham gia với lượng vốn nhỏ với những cổ phiếu đang định giá thấp so với thị trường chung và không nên quá hưng phấn vào nhóm này trong ngắn hạn.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Phiên giao dịch 14/9 có diễn biến khá giống với phiên giao dịch trước đó với việc các chỉ số đều tăng điểm trong phần lớn thời gian nhưng áp lực bán về chiều khiến các chỉ số này đống loạt giảm nhẹ.
Thanh khoản phiên 14/9 suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán trên thị trường đã có sự suy giảm. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp trên hai sàn với khoảng 600 tỷ đồng cũng phần nào tạo áp lực lên thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang trong khoảng giằng co và sẽ cần sự bứt phá trong thời gian tới để bắt đầu một xu hướng mới.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 15/9, VN-Index có thể tiếp tục biến động giằng co với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.350 điểm và vùng hỗ trợ trong khoảng 1.325-1.335 điểm (MA20- 50).
Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Như Nguyệt
Theo KTDU