Sự kiện hot
4 năm trước

Đánh giá thị trường chứng khoán ngày 2/2: VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc mạnh khi lượng cung hàng bắt đáy T+3 về tài khoản trong một vài phiên kế tiếp

Thị trường giảm điểm mạnh trong phiên đầu tuần và hiện kết phiên ngay dưới ngưỡng 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3). Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 21,1 điểm (- 2%) xuống 1.035,51 điểm; HNX-Index giảm 5,36 điểm (-2,5%) xuống 208,85 điểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên tăng trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.340 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 750 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.815 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 172 mã tăng, 69 mã tham chiếu, 639 mã giảm.

Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 2/02/2021.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Theo quan điểm của BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc mạnh khi lượng cung hàng bắt đáy T+3 về tài khoản trong một vài phiên kế tiếp.

Mặc dù vậy, BVSC cho rằng, áp lực chốt lời của lượng hàng bắt đáy này sẽ không quá lớn và thị trường có thể sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi thử thách vùng hỗ trợ 1008-1025 điểm. Sau các phiên biến động mạnh vừa qua, thị trường có thể sẽ sớm cân bằng trở lại với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra: Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức <= 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng thấp mang tính dò đáy trong những phiên tới; Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)

Sau phiên hồi phục mạnh hôm trước, VN-Index đã quay trở lại giảm điểm mạnh trong phiên 1/2 do tình trạng căng thẳng của dịch bệnh COVID-19.

Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi có đến 18/19 ngành giảm điểm. Thanh khoản suy giảm, biên độ thị trường nới rộng và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy xu hướng bán ròng mạnh mẽ.

Vận động của VN-Index nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tình trạng lây lan của COVID-19 trong giai đoạn tới. Nếu thành công khống chế, thị trường có thể kiểm tra lại vùng 1,100 điểm. Nếu không, VN-Index nhiều khả năng sẽ quay trở lại ngưỡng 1,000 điểm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Theo MBS, thị trường điều chỉnh trở lại ở phiên 1/2 cũng là tín hiệu xác nhận nhịp nảy mạnh mẽ ở phiên cuối tuần trước chỉ mang tính kỹ thuật. Từ ngày 2/2, lượng hàng bắt đáy ở phiên giảm kỷ lục và phiên hồi sau đó sẽ lần lượt về tài khoản và gây áp lực lên thị trường.

Về kỹ thuật, hiện chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường đã tạo đáy, có chăng đây là nhịp nghỉ hoặc tái phân phối sau chuỗi giảm mạnh vừa qua. Thị trường đang có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nên các phiên tăng điểm sau đó nhiều khả năng là hồi kỹ thuật, bên cạnh đó biên độ dao động của thị trường hiện đang rất lớn, đó là dấu hiệu ít thấy ở các vùng thị trường tạo đáy.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng đang gặp khó, các thông tin hỗ trợ thị trường trong nước cũng đang cạn dần thì kịch bản khả dĩ nhất đối với thị trường là nhịp tích lũy trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Chỉ số VN-Index hiện chốt phiên này dưới ngưỡng trung bình 50 ngày, một mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.

Do vậy, trong kịch bản cơ sở, thị trường có thể dao động trong khoảng 930 – 940 là ngưỡng trung bình MA100 và MA200 theo tuần đến cận trên của khoảng GAP ở 1.086 điểm và cũng là kháng cự MA50 theo ngày.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường lùi bước sau phiên hồi phục tích cực, nhịp điều chỉnh này không quá bất ngờ do thị trường vẫn chưa đủ động lực để thoát khỏi xu thế tiêu cực. Áp lực bán có động thái gây khó khăn vào cuối phiên nên có thể thị trường sẽ tiếp tục lùi bước vào đầu phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VDSC, động thái này mang tính chất kiểm tra lại vùng hỗ trợ gần 1000 điểm trước khi nhịp hồi phục diễn biến vững chắc hơn và dòng tiền sẽ tích cực “bắt đáy” trong phiên giao dịch tiếp theo.

Quý nhà đầu tư tạm thời nên tránh bán tháo ở vùng giá thấp trong phiên giao dịch tiếp theo, đồng thời có thể xem xét “bắt đáy” tại một số cổ phiếu Blue hoặc cổ phiếu có cơ bản tốt đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

VN-Index giảm mạnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nghỉ Tết sớm đang dần xuất hiện trên thị trường. Áp lực bán trong phiên 1/2 là không thực sự mạnh, giá giảm chủ yếu do cầu không vào mạnh.

Trên góc nhìn kỹ thuật, hiện tại đang là sóng tăng 5 cuối của chu kỳ tăng giá sau khi xác lập đáy sóng 4 quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trong phiên 29/1 nên xác suất thị trường sẽ hồi phục trong phiên tiếp theo được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, xác suất thấp hơn là thị trường sẽ test lại ngưỡng 1.000 điểm là có thể xảy ra.

Thanh khoản thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên và có xu hướng giảm dần khi kỳ nghỉ Tết đang gần kề giúp hệ thống giao dịch trên HOSE trở nên trơn tru nên tương quan cung cầu trong giai đoạn này là có thể xác định được.

Những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục quanh ngưỡng 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3) trong phiên 29/1 nên quan sát thị trường trong phiên tới và có thể chốt lời ngắn hạn nếu thị trường tăng điểm tới ngưỡng kháng cự quanh 1.085 điểm (MA50). Trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm để retest ngưỡng 1.000 điểm, nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: