Thị trường điều chỉnh trong phiên 25/10 với thanh khoản gia tăng. Cụ thể, VN-Index giảm 3,84 điểm (giảm 0,28%) xuống 1.385,40 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 200 mã tăng, 47 mã tham chiếu, 240 mã giảm. HNX-Index tăng 4,67 điểm (+1,19%) lên 395,88 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 148 mã tăng, 39 mã tham chiếu, 100 mã giảm.
Thanh khoản trên hai sàn trong phiên 25/10 tăng đáng kể so với phiên trước đó với khối lượng 1.085 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị 30.581 tỷ đồng. VN-Index giao dịch trong biên độ hẹp phiên 25/10, sau đó các cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh khiến chỉ số đảo chiều về cuối phiên.
Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 26/10/2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)
Theo quan điểm của BSC, thị trường trải qua một phiên giằng co trong cả ngày 25/10. Kết phiên, bên bán chiến thằng khiến chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0.28%. Nhóm cổ phiếu VN-30 mất gần 12 điểm trong khi nhóm cổ phiếu midcaps trên cả 2 sàn HSX và HNX đều tăng mạnh mẽ. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng.
Thị trường 25/10 ghi nhận 12/19 ngành tăng điểm, dẫn đầu là ngành bảo hiểm với mức tăng hơn 6% sau thông tin SCIC có kế hoạch thoái vốn các cổ phiếu ngành bảo hiểm như BVH, BMI,…
Theo BSC nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index có khả năng kiểm tra lại ngưỡng 1380. Về giao dịch của khối ngoại, 25/10 khối này bán ròng mạnh mẽ hơn 1000 tỷ đồng trên sàn HSX, với VJC bị bán hơn 400 tỷ.
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)
Theo MBS, thị trường chịu áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechips khi chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của nhóm ngày. Việc các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như: ngân hàng, chứng khoán, thép,….suy yếu sau khi thông tin kết quả kinh doanh quý 3 được công bố có thể khiến thị trường găp khó và có khả năng để mất vùng đi ngang hơn 2 tuần vừa qua.
Trong khi các nhóm cổ phiếu có thông tin về thoái vốn như bảo hiểm, hay bất động sản,…chiếm tỷ trọng nhỏ và không tạo được sức lan tỏa đối với thị trường.
Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index có ngưỡng hỗ trợ ở 1.375 điểm, trong kịch bản thận trọng, thị trường có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ MA50 và MA100.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
VN-Index tăng điểm bất thành với áp lực bán gia tăng tại vùng thăm dò 1.390-1.400 điểm. Nhìn chung dòng tiền hỗ trợ vẫn đang nỗ lực giữ thị trường, thể hiện qua thanh khoản tăng so với các phiên trước và trên mức trung bình 50 phiên trong khi chỉ số chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên nên áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Do vậy, có khả năng VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước và kiềm tra lại vùng hỗ trợ 1.370-1.380 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo, nếu chỉ số ghi tín hiệu hỗ trợ tại vùng này thì cơ hội phục hồi trở lại của thị trường vẫn còn.
VDSC nhận định, Quý nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát diễn biến của thị trường, tạm thời cũng nên xem xét chốt lời tại các mã đã tăng nóng hoặc đang bị cản mạnh để bảo toàn thành quả.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
VN-Index kết phiên đầu tuần giảm 0,26% trong khi VN30 diễn biến tiêu cực hơn với mức giảm 0,79%. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 16,24%, riêng với nhóm VN30 tăng mạnh 59,21% so với phiên trước và cao hơn mức trung bình cho thấy áp lực bán ngắn hạn khá mạnh khi VN30 mất vùng hỗ trợ quanh mốc 1.480 điểm.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn duy trì tăng trưởng với hỗ trợ gần nhất là vùng 1.380+-, tương ứng đỉnh giá tháng 08/2021 vừa vượt qua, vùng hỗ trợ tiếp theo quanh mốc 1.373+- tương ứng vùng giá trung MA20.
SHS nhận định, nhiều khả năng VN-Index sẽ rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá hỗ trợ 1.373-1.380 trong các phiên sắp tới. Nhà đầu tư đang có các cổ phiếu có đà tăng giá ngắn hạn tốt có thể tiếp tục nắm giữ và quan sát diễn biến thị trường tại các vùng hỗ trợ.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Như Nguyệt
Theo KTDU