Chuyên viên tư vấn bảo hiểm là công việc đầy thách thức, cơ hội thu nhập cao. Vậy làm thế nào để trở thành một nhân viên tư vấn bảo hiểm thành công?
Không phải tự nhiên mà nghề tư vấn Bảo hiểm lại được lọt vào TOP 100 nghề nghiệp tốt nhất ở thế kỷ 21 do Tiến sỹ Shelly Field Trong cuốn sách" 100 NGHỀ TỐT NHẤT THẾ KỶ XXI" và nghề tư vấn tài chính, bảo hiểm được xếp hạng ở vị trí thứ 5.
Chuyên viên tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ hay còn gọi là người mang các gói sản phẩm bảo hiểm đến với khách hàng, là người đại diện công ty bảo hiểm ký kết hợp đồng tạm thời và trực tiếp giải quyết vướng mắc của khách hàng liên quan đến sản phẩm.
Họ chính là kết nối trung gian giữa công ty bảo hiểm và khách hàng. Họ chăm sóc, giữ gìn và phát triển mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng với công ty.
Đối với công ty bảo hiểm, nhân viên tư vấn bảo hiểm hết sức quan trọng bởi họ là người đem doanh thu bán hàng về cho công ty. Đứng trên góc độ khác, nhân viên tư vấn tài chính bảo hiểm chính là đối tác đem lợi ích cho công ty chứ không phải chỉ là người làm thuê.
Vì mỗi công ty bảo hiểm đều có nhiều gói sản phẩm, dịch vụ cho nhiều đối tượng, độ tuổi, ngành nghề,… nên nhân viên tư vấn bảo hiểm cũng rất đa dạng, không quá gò bó về trình độ, bằng cấp,… mà quan trọng nhất là hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm và đam mê công việc tư vấn.
Trong một chương trình giới thiệu cơ hội nghề nghiệp, Anh Nguyễn Văn Thuyết – Giám đốc kinh doanh của một công ty bảo hiểm nhân thọ có tiếng tại Việt Nam đã có những chia sẻ về nghề tư vấn bảo hiểm và những điều cần có để trở thành một tư vấn bảo hiểm.
Lựa chọn công ty bảo hiểm uy tín
Danh tiếng và uy tín của một công ty bảo hiểm rất quan trọng cho sự phát triển của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm trong tương lai. Do đó, trước khi lựa chọn để trở thành một đại lý bảo hiểm, mọi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty mình định gắn bó. Bạn cần tìm hiểu tỉ mỉ về sản phẩm của công ty, môi trường làm việc có thuận lợi, có sự hỗ trợ và đồng hành với các chuyên viên tư vấn trong quá trình đào tạo kỹ năng và công việc sau này.
Hoàn thành chương trình đào tạo cần thiết
Trong buổi chia sẻ cơ hội nghề nghiệp, theo Anh Thuyết yêu cầu để trở thành chuyên viên tư vấn bảo hiểm (đại lý bảo hiểm) là không cần bằng đại học nhưng cần được đào tạo về lĩnh vực này và phải được cấp phép.
Khi chuyển sang ngành tư vấn bảo hiểm nhân thọ, thời gian đầu, các học viên tham gia tìm hiều về nghề tư vấn bảo hiểm phải dành ra 4 ngày học trong giờ hành chính và một ngày thi về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm tại nơi làm việc để lấy được chứng chỉ đại lý (tùy vào từng công ty, thời gian học sẽ khác nhau). Chứng chỉ này do Bộ Tài chính cấp và có giá trị vô thời hạn nhưng nếu trong 3 năm, chuyên viên tư vấn không có bất cứ hoạt động nào liên quan tới bảo hiểm thì sẽ phải thi lại.
Thường xuyên trau dồi kiến thức
Bảo hiểm bao gồm nhiều lĩnh vực, do đó, để thu hút khách hàng, chuyên viên tư vấn cần phải học hỏi, hiểu biết nhiều thứ. Ngoài kiến thức bảo hiểm cần thiết, các chuyên viên tư vấn còn cần có kỹ năng thuyết trình; nắm rõ về các chính sách, quyền lợi... của sản phẩm mình đàn chào bán cho khách hàng; phải có kiến thức về tài chính (quản lý tài chính cá nhân, quản trị rùi ro, các loại hình đầu tư trên thị trường...); hiểu về luật bảo hiểm, thừa kế...
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Anh Thuyết khẳng định, để trở thành một chuyên viên tư vấn bảo hiểm giỏi và thành công, mọi người phải xây dựng tốt thương hiệu cá nhân. Điều này cần sự bền bỉ, trung thực và luôn đặt nhu cầu của khách hàng lên trước.
Nếu thiếu trung thực và tư vấn không đúng, đủ cho khách hàng tham gia bảo hiểm, các tư vấn viên khó đứng vững tại công ty trong một thời gian cũng như theo đuổi nghề này. Họ phải thẳng thắn nói ra sự thật, giới thiệu sản phẩm một cách chân thực để nhận được sự tôn trọng, tin tưởng từ khách hàng.
Một tư vấn tài chính chỉ tập trung kiếm thu nhập từ hoa hồng, bất chấp nhu cầu của khách hàng thì sẽ khó có thể tồn tại trong ngành này lâu dài. Các tư vấn tài chính biết lắng nghe cẩn thận nhu cầu của khách hàng thường giành được sự tin tưởng. Đây cũng là phần khó nhất trong công việc của họ.
Bên cạnh đó, để giữ uy tín, chuyên viên tư vấn phải luôn phản hồi kịp thời các yêu cầu và cuộc gọi của khách hàng; phải có khả năng thực hiện những điều mình nói hoặc đưa ra lý do chính đáng khi không thể làm được. Điều này sẽ giúp họ có thêm được nhiều khách hàng hơn nữa trong tương lai và ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp.
Tiến Hoàng/KTDU