Pháp luật đã có quy định xử lý về việc gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng các cơ quan chức năng hầu như không áp dụng, dẫn đến bức xúc, gây ra những vụ án nghiêm trọng
Thêm một vụ án mạng mà nguyên nhân là do hát karaoke quá ồn ào vừa mới xảy ra vào ngày 28/2 ở tỉnh Hà Tĩnh. Tiếng ồn trong khu dân cư là nỗi ám ảnh của người dân từ bao năm qua nhưng các cơ quan chức năng chẳng có biện pháp ngăn chặn.
Dời nhà vì... karaoke
Nguồn cơn bắt đầu từ việc ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, ngụ thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đi nhậu về phải nghe tiếng hát karaoke quá lớn của hàng xóm dẫn đến cự cãi. Được mọi người can ngăn nên ông Lộc bỏ về. Đến nhà ông vẫn không ngủ được nên trở qua nhà hàng xóm nói chuyện, lần này ông mang theo dao và đâm 2 nhát khiến một người trong nhóm hát tử vong.
Hơn một tháng trước, ông Nguyễn Văn Trỗi (42 tuổi, ngụ xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cũng bị công an bắt để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Nguyên nhân là do ông Trỗi hát karaoke trong buổi tiệc tại nhà làm hàng xóm "tức mắt" nên cầm đá đập vỡ màn hình tivi. Hai người lao vào đánh nhau, ông Trỗi dùng một khúc gỗ đánh trọng thương hàng xóm và sau đó người này tử vong ở bệnh viện. Nhiều vụ đánh nhau vì hát karaoke gây ồn ào đã diễn ra trong thời gian qua ở các địa phương. Nhẹ thì bầm mặt, nặng phải nhập viện, tử vong nhưng phong trào hát karaoke tại gia vẫn tiếp tục tra tấn hàng xóm, từ thôn quê đến thành thị.
Tại TP HCM, chỉ cần một cái loa thùng kiểu "loa kẹo kéo" dùng trong các chuyến đi dã ngoại là có thể hát hò thoải mái trong buổi nhậu. Ông Trần Thanh Nam (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) cho biết đã phải chuyển nhà đi chỗ khác vì hàng xóm hát karaoke suốt ngày. Nhà của ông nằm trong hẻm thuộc phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức). Những hàng xóm gần nhà ông thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt và mở loa hát karaoke hết cỡ. "Ban đầu, họ còn qua nói chuyện xin thông cảm, cúng giỗ, liên hoan nên mở nhạc cho vui. Nhưng chuỗi ngày sau đó chẳng có sự kiện gì họ cũng nhậu và hát hò ầm ĩ, mở nhạc quá to chẳng ai nghỉ ngơi được" - ông Nam ngao ngán.
Những loa thùng công suất lớn thoải mái đặt trước nhà mở nhạc ầm ĩ suốt ngày
Cơ quan chức năng làm ngơ
Những năm gần đây, phong trào hát karaoke tại nhà trong các buổi tiệc từ đám giỗ, đám cưới cho đến sinh nhật nở rộ. Chỉ cần một cú điện thoại, một dàn karaoke di động được phục vụ tận nơi với giá vài triệu đồng/buổi. Chủ nhà được tiếng chơi sang còn khách đến thì được hát hò trong hơi men say như một cách giải bia, giải rượu.
Tại TP HCM, buổi tối tình trạng hát karaoke trong bàn nhậu ngay trên vỉa hè khá phổ biến. Các tuyến đường nổi tiếng về ăn nhậu như bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa hay Phạm Văn Đồng, Vĩnh Khánh... đều xuất hiện "karaoke kẹo kéo". Các nhóm thanh niên chở theo loa phía sau và hát vài bài khai màn để bán kẹo, nếu khách nào có hứng muốn hát tại bàn thì sẽ được phục vụ luôn, khách hát theo lời trên màn hình điện thoại có kết nối internet.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết cả năm qua phường nhận rất ít phản ánh của người dân về việc hát karaoke gây ồn, nguyên nhân là phường đã giải quyết từ trong "trứng nước". Phường cũng vận động các quán nhậu không để cho người hát rong qua loa kẹo kéo vào quán. Đối với các hộ gia đình mà hát karaoke vào các dịp lễ, đám giỗ hay sinh nhật thì cả năm có một vài lần nên hàng xóm cũng dễ thông cảm, nếu mở quá giờ thì sẽ bị khu phố nhắc nhở.
Riêng với các trường hợp mà hát karaoke triền miên từ ngày này qua ngày khác thì phường sẽ huy động các đoàn thể xuống nhắc nhở, vận động nhiều lần, khi đó chủ nhà "mắc cỡ" thấy ngại thì cũng phải điều chỉnh. Về việc xử phạt các hộ gia đình hát hò ầm ĩ, ông Tú cho biết muốn xử phạt phải có máy đo tiếng ồn. Phường cũng đã mua máy nhưng mục đích sử dụng chính vẫn là đo để thuyết phục người dân biết họ đã vi phạm mà hạn chế cho phù hợp.
Trong khi đó, chủ tịch một phường ở quận 1, TP HCM cho biết chưa xử phạt hộ gia đình hát karaoke bao giờ, biện pháp chính vẫn là nhắc nhở. Khi nhận phản ánh của của người dân, phường sẽ đề nghị cảnh sát khu vực xuống tận nhà chấn chỉnh. Vị này cho biết việc xử phạt tiếng ồn đối với các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn so với các hộ kinh doanh karaoke hoặc quán nhậu.
Mức phạt đến 160 triệu đồng
Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau".
Nếu việc mở karaoke gây ra tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể bị xử lý theo quy định tại điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
Y.Anh
TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Phải nhờ công an can thiệp Nhu cầu giải trí ai cũng cần nhưng phải tôn trọng người khác. Việc vô tư hò hét karaoke như hiện nay thể hiện thói tùy tiện, ích kỷ, vô nguyên tắc của một bộ phận người Việt.
Họ không cần biết người khác nghĩ sao, bị ảnh hưởng, khổ sở như thế nào mà chỉ cần thỏa mãn cái tôi của mình. Cách hành xử ấy không chấp nhận được. Vấn đề ở đây là phải có biện pháp xử phạt đối với những người gây ồn quá mức.
Theo tôi có nhiều cách giải quyết, từ đơn giản tới phức tạp như nhờ tổ nhân dân tự quản đưa ra góp ý chung trong buổi sinh hoạt. Làm đơn đề nghị tổ hòa giải của khu phố hòa giải, hoặc phản ánh với người quản lý. Nếu giải quyết ở khu phố không có kết quả thì làm đơn gửi đến UBND. Khi họ đang vi phạm thì báo ngay cho công an phường để xuống lập biên bản vi phạm hành chính.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Hành xử đúng mực Tôi biết câu chuyện một khu phố ầm ĩ vì "cuộc chiến" âm thanh giữa hai nhà hàng xóm với nhau. Một nhà mua dàn máy karaoke và loa công suất lớn, rủ bạn bè về nhà mình để ăn nhậu và hát, có khi hát đến 12 giờ đêm.
Bực mình, anh hàng xóm mua về một dàn karaoke công suất lớn gần gấp đôi nhà bên cạnh và "cuộc chiến" âm thanh đã nổ ra làm cả khu phố đinh tai nhức óc. Không chỉ karaoke, âm thanh từ nhiều đám cưới, buổi tiệc cũng rất lớn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các hộ dân trong khu vực.
Chuyện này khiến nhiều người ấm ức, vì nói ra thì ngại làm mất lòng hàng xóm, phát sinh mâu thuẫn, không nói thì bực bội tức tối trong lòng, ức chế… Đưa nhau ra pháp luật thì cũng rắc rối, phiền toái, mất thời gian và có khi còn phức tạp hơn. Để tránh những xung đột, thậm chí là mất tính mạng, theo tôi cần tôn trọng nguyên tắc vì lợi ích của mình nhưng đừng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Nên đặt mình vào vị trí của người khác mà xử sự cho đúng mực.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:
Nên tăng mức xử phạt Mức xử phạt hiện nay còn khá thấp so với hậu quả do ô nhiễm tiếng ồn gây ra. Trước những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân thì mức phạt này chỉ mang tính hình thức.
Nên xem xét nâng mức xử phạt tương xứng với hậu quả của hành vi, đủ khả năng răn đe đối với người vi phạm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của tiếng ồn gây ra đối với sức khỏe, mức độ ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt, làm việc của người dân; giúp người dân ý thức được hành vi gây tiếng ồn quá mức cho phép là hành vi vi phạm pháp luật và có thể xử phạt đối với hành vi trên.
Khuyến khích người dân thông tin đến ngay cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm, không nên vì tình làng nghĩa xóm mà chịu thiệt thòi. Việc cứ im lặng chịu đựng sẽ gián tiếp ủng hộ cho hành vi trên tiếp diễn, không thể đẩy lùi tình trạng này trên thực tế.
Y.Anh - T.Hoàng ghi
Bài và ảnh: Sỹ Đông
Theo Người Lao Động