Trong các lĩnh vực không phải then chốt, đã có các tập đoàn tư nhân hoạt động tốt, không nhất thiết phải xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước chi phối thị phần.
Trong các lĩnh vực không phải then chốt, đã có các tập đoàn tư nhân hoạt động tốt, không nhất thiết phải xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước chi phối thị phần. Đó là quan điểm của hầu hết các chuyên gia kinh tế khi đặt vấn đề về tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều ví dụ như trong lĩnh vực xây dựng, dệt may, trồng và khai thác chế biến cao su, đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp nhà nước đang cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Sự cạnh tranh này không những gây ra những xung đột trong đầu tư, mà còn làm giảm tổng nguồn đầu tư cho toàn xã hội.
Cho dù đã có những cảnh báo về dư thừa nguồn cung xi măng, nhưng 3 công ty nhà nước là tổng công ty Cơ khí xây dựng, tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, công ty Xi măng Lạng Sơn vẫn quyết định góp vốn để xây dựng nhà máy xi măng Đồng Bành tại Lạng Sơn.
Chưa đầy 1 năm hoạt động, số lỗ của nhà máy đã lên tới hơn 141 tỷ đồng. Câu chuyện kinh doanh thua lỗ ở Đồng Bành còn chưa dừng lại khi theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011 đến năm 2015, doanh nghiệp này dự kiến sẽ thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối.
Có mức vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng gần 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy xi măng Đồng Bành đã lỗ hơn 140 tỷ đồng. Hiện, một phần đã được Bộ Tài chính đứng ra trả nợ thay. Đây là dự án được đầu tư bằng các doanh nghiệp nhà nước. Dư luận đặt câu hỏi, liệu là các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước có dám đầu tư vào những dự án kiểu này.
Ngoài dự án xi măng Đồng bành, hiện chính phủ còn đứng ra bảo lãnh cho 3 dự án xi măng khác với tổng mức vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo các nhà phân tích, không chỉ xi măng, ở nhiều lĩnh vực đã có sự tham gia của các thành phần kinh tế đang hoạt động có hiệu quả, nên giảm dần sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch hội Khoa học kinh tế Việt Nam nói: "Doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tham gia vào một số lĩnh vực trụ cột còn dần dần sẽ thoái vốn ra để các thành phần kinh tế khác tham gia".
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 21/31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư hơn 22.500 tỉ đồng.
Theo các nhà phân tích, việc tăng hàm lượng đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước một phần bắt nguồn từ việc được hưởng quá nhiều ưu đãi, từ tiếp cận vốn đến cơ chế chính sách và chi phí kinh doanh.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thường thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng thương mại trung bình cùng thời kỳ. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước lỗ, trong khi khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước lại cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đặng Tú
Theo VTV