Doanh nghiệp tư nhân đang rất nỗ lực để vượt khó khăn do dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không dám triển khai dự án mới, vì thiếu vốn, chỉ tập trung giữ được lao động.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II với chủ đề: "Để Kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế". bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, tập đoàn tư nhân có quy mô tới 22.000 nhân sự chi sẻ, bản thân bà cũng không hiểu bằng cách nào Tập đoàn BRG có thể vượt qua 3 năm khó khăn khủng khiếp vừa qua.
"5-6 năm nay chúng tôi không dám triển khai một dự án mới nào vì áp lực vốn đầu tư quá lớn", bà Nga cho hay và quan điểm, các cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế nên công bố giải pháp nào để có thể tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong hai năm.
"Tôi thấy rằng lãi suất hiện nay đang quá cao, đa số doanh nghiệp đang phải vật lộn với khó khăn, cơ quan quản lý không thể đề ra một mục tiêu quá cao, nêu các giải pháp 1, 2, 3, 4 rồi đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được ngay. Chúng tôi cần có thêm thời gian", bà Nga nói.
Bên cạnh đó, để tiến kịp doanh nghiệp tư nhân thế giới, muốn được ghi nhận thì doanh nghiệp trong nước càng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những hạn chế về năng lực cạnh tranh, yếu tố quản trị, phát triển con người và đặc biệt là thiếu tính tuân thủ - kỷ luật.
Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn đơn giản, năng suất lao động thấp dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, dám đổi mới cập nhật công nghệ tiên tiến cũng đã cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, đa dạng hóa sản phẩm và nhạy bén với thị trường.
Tập đoàn BRG luôn chú trọng việc cập nhật công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia nước ngoài với chứng chỉ chuyên nghiệp của thế giới. Điều này đã giúp BRG có được sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc kể cả đối với những lĩnh vực mới mẻ.
Tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại đang có thêm nhiều thách thức, tăng trưởng GDP gần như thấp nhất trong 11 năm qua, chỉ cao hơn năm 2020 - năm đỉnh dịch bệnh. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số gia nhập và tái gia nhập.
Những động thái chính sách từ đầu năm đến nay của Chính phủ, như rà soát, tháo gỡ khó khăn pháp lý, cắt giảm thủ tục hành chính và mới nhất là giảm lãi suất ngân hàng, đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Bạch Lan Phương, CEO Công ty CP Thương mại UNIK, quan trọng nhất là môi trường kinh doanh minh bạch, thể chế rõ ràng. Vì hiện tại, như nhiều doanh nghiệp chia sẻ, các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn "ở trên ti vi, báo đài" nhiều hơn thực tế.
“Các chuyên gia cứ đặt câu hỏi là sao hộ kinh doanh không chuyển lên doanh nghiệp. Vì làm doanh nghiệp rất nhiều thủ tục, quy trình phức tạp, khó tuân thủ một cách minh bạch. Cũng như cây lúa, để phát triển được thì cần thổ nhưỡng tốt, nếu giống tốt mà trồng ở vùng đất bạc màu cũng không thể phát triển được. Để doan nghiệp tư nhân phát triển được, để doanh nghiệp dám lớn, cần môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch”, bà Phương nói.
Và bà cũng thẳng thắn cho rằng, Nhà nước cần phải có hành động thực tiễn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chứ khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, đang teo tóp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tồn tại “đám sương mù" lạ. Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế đạt 3,32%, chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 là quý I/2020 với mức tăng 3,21%.
Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng lại tăng trưởng âm 4%; xuất khẩu suy giảm cho dù giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh vẫn tăng 10%. Đầu tàu kinh tế của cả nước là TP HCM, được ví như kinh tế Hoa Kỳ trong kinh tế toàn cầu, có GRDP chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp phía Bắc là Bắc Ninh lần đầu tiên âm tới 12%.
Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia cho rằng, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là khó khăn, thậm chí thiếu thực tế bởi trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 800 nghìn doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia nhận định, để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và sau này, các chuyên gia cùng gợi ý một số giải pháp như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; chú trọng kiến tạo để các thị trường như đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ - hàng hóa – dịch vụ... phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững.Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tiến tới "minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt" đối với các cơ chế, chính sách và thực thi tại các cấp chính quyền. Ngoài ra, Chính phủ có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để "khuyến khích" hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững nhằm tìm kiếm và bình chọn được những cá nhân, doanh nghiệp điển hình có thành tựu nổi trội trong sự nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời cũng là những tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường...
Từ đó, có thể lan tỏa và nhân rộng những giá trị quý báu trong đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, Ts Cấn Văn Lực đề xuất, bản thân đội ngũ doanh nhân và mỗi doanh nghiệp phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; rèn luyện "tâm, tầm, trí" là sống còn.
Theo đó, doanh nghiệp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài là then chốt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp cần phải được coi là tài sản đặc biệt, lợi thế cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp, mà còn là "tài sản quốc gia".
Từ đó, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng CNTT tại doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi chiến lược thành công.
Ngoài ra, chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động. Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống