Theo đánh giá, nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản dồi dào và duy trì mức tăng so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó là những yếu tố vĩ mô, vi mô tích cực sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022 - 2023.
Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021, các chuyên gia đã nhận định về triển vọng thị trường và hướng đi dòng tiền của nhà đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã trôi qua, bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.
Theo vị chuyên gia này, nguồn vốn đổ vào bất động sản trong năm 2021 vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.
Vốn tư nhân và vốn FDI cũng đổ mạnh vào thị trường này, khi hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm các lĩnh vực. Doanh nghiệp bất động sản cũng đang xếp thứ nhất trên thị trường phát hành trái phiếu với 436.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2021.
Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023. "Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng", ông Lực nói.
Ngoài ra, triển vọng thị trường còn đến từ các yếu tố khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh.
Ông Lực cho biết, hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
“Dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn”, ông Lực chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường “Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ về lâu dài cần phải có các quỹ như Quỹ tín thác bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ phát triển nhà ở. Đây đều là những mô hình mà các nước triển khai tương đối tốt trong thời gian vừa qua”, ông Lực nói.
Vì vậy, theo ông Lực, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường, là điểm sáng trên thị trường chứng khoán.
Hạ Lam
Theo KTĐU