Sự kiện hot
12 năm trước

Đủ kiểu 'xù' viện phí

Trốn viện, không thanh toán viện phí không chỉ rơi vào những bệnh nhân nghèo khó, mà có cả những người rủng rỉnh tiền.

Trốn viện, không thanh toán viện phí không chỉ rơi vào những bệnh nhân nghèo khó, mà có cả những người rủng rỉnh tiền.


Hầu hết trường hợp xù viện phí rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, chi phí điều trị cao (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: L.N.

Sau khi được người thân đưa vào cấp cứu ở BV Nhân dân 115 TPHCM do bị tai nạn, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Th. 32 tuổi ở huyện Hóc Môn, TPHCM được các bác sĩ ở đây tiểu phẫu. 30 phút sau ca tiểu phẫu hoàn tất, Th. được chỉ định đưa lên khoa Ngoại dưỡng thương để ngày mai xuất viện.

Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, khi y tá đưa phiếu đi đóng tiền để làm thủ tục xuất viện thì bệnh nhân này đã biến mất.

Sau 9 ngày nhập viện khoa Ngoại chấn thương của BV Nhân dân 115, bệnh nhân Nguyễn Văn Kh., ở huyện Hóc Môn, TPHCM khỏe mạnh, được chỉ định xuất viện. Tuy nhiên, sáng 10-6, khi điều dưỡng đưa giấy tờ để người nhà làm thủ tục xuất viện thì bệnh nhân đã không còn ở bệnh viện. Ngoài số tiền thu tạm ứng 3 triệu đồng trong ngày đầu vào cấp cứu, còn hơn 10 triệu đồng chi phí, bệnh viện đành bó tay, không thu được.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết: Nhiều người chỉ trốn viện với số tiền chỉ vài ba trăm nghìn đồng nhưng cũng có bệnh nhân nợ vài chục triệu đồng.

Ông N. 42 tuổi ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An nằm điều trị ở khoa Thận của BV Bình Dân TPHCM gần 20 ngày, với chi phí lên tới 15 triệu đồng. Lẽ ra thứ hai mới được xuất viện nhưng chủ nhật, trong lúc ít bác sĩ trực ở khoa, người nhà đã đưa ông N. trốn biệt. Lần theo địa chỉ trong hồ sơ bệnh án, điều dưỡng của khoa gọi điện để yêu cầu người nhà trả viện phí, nhưng bên kia tò tí te.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, mới đây, ở Khoa Cột sống A bệnh viện này, có bệnh nhân quê ở Quảng Nam xù viện phí 60 triệu đồng.

Để lại nợ “khủng”

Từ 2008 đến 2011, BV Lê Lợi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thất thu hơn 1,2 tỷ đồng viện phí do bệnh nhân trốn viện. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, có hơn 600 người trốn viện, bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, cho biết.

Năm 2011, ông Võ Thanh Sơn, Trưởng khoa điều dưỡng BV Lê Lợi, khảo sát tình hình trốn viện tại đây. Ông cho biết, xù viện phí chủ yếu ở bệnh nhân nằm ở phòng cấp cứu và trốn ngoài giờ hành chính, chiếm tới hơn 57%.

“Theo khảo sát của ông Sơn, phần lớn bệnh nhân trốn viện thuộc diện không đóng bảo hiểm y tế. Một số vấn đề có thể góp phần làm tăng tình trạng trốn viện là chỉ định nhập viện, giao tiếp của nhân viên y tế và nhân viên thu phí chưa tốt hoặc do thời gian chờ đóng viện phí quá lâu…

Trong 6 tháng đầu năm nay, tại BV Nhân dân 115 (TPHCM) có 116 ca trốn viện với số tiền hơn 200 triệu đồng. “Tính trung bình mỗi tháng có 19 ca trốn viện. Tuy nhiên có tuần dồn dập từ 10-15 ca”, đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp BV này cho biết.

Trong khi đó, ở BV Bình Dân, số tiền thất thoát còn “khủng” hơn, trung bình 50 triệu đồng/tháng. Theo thống kê, trong năm 2011, nơi đây bị bệnh nhân “xù” tới gần 600 triệu đồng.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện này mất hơn 700 triệu đồng từ bệnh nhân trốn viện. BV Ung bướu TPHCM mỗi năm mất tới 4 tỷ đồng vì chuyện này. Tại BV Chợ Rẫy, gần như ngày nào ở đây cũng có vài ba ca trốn viện, với số tiền trung bình 50-100 triệu đồng/tháng.

Chào thua

Bác sĩ Lưu Kinh Khương, Phó khoa Gây mê hồi sức BV 115, cho biết nhiều lúc cũng đành bất lực vì người bệnh vô danh vào cấp cứu. “Nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông, người đi đường đưa vào cấp cứu, chúng tôi phải hội chẩn liên khoa để mổ. Nhưng mổ xong, tiền thuốc men, chi phí phẫu thuật bệnh viện đều gánh hết vì không biết người nhà đâu mà lần”, bác sĩ Khương nói.

Theo bác sĩ Khương, cũng có những trường hợp bị tai nạn chấn thương sọ não quá nặng, nằm vài ngày rồi tử vong. Đến khi đưa ra nhà xác, có người thân tới nhận nhưng việc đòi nợ họ cũng không được vì họ bảo chỉ là bà con xa hoặc người tử vong không có con cái.

“Có trường hợp có con cái cũng khấm khá hoặc bố mẹ có tiền nhưng lại từ chối thanh toán viện phí cho người thân vì họ cho rằng có ai chứng minh trước khi chết người thân của họ có dùng thuốc, có mổ hay điều trị gì không. Thực ra chúng tôi có giấy tờ, sổ sách ghi chép đầy đủ, nhưng họ tìm cách đánh bài chuồn để xù viện phí thôi, bác sĩ Khương nói.

Phòng Tài vụ của BV Nhân dân 115 đã thành lập một tổ chuyên đi đòi các khoản nợ từ bệnh nhân, nhưng xem ra không mấy hiệu quả. “Có danh sách, địa chỉ cụ thể và số điện thoại hẳn hoi nhưng khi chúng tôi về địa phương xác minh thì chỉ là địa chỉ ma, có người quá nghèo nên không có tiền trả”, một nhân viên của Phòng Tài vụ cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết, nhân viên đi đòi nhiều lần nhưng không có kết quả. Có bệnh nhân xin trả góp, có bệnh nhân giở chiêu cùn...

Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng, để khắc phục tình trạng thất thoát do bệnh nhân trốn viện hoặc bệnh nhân không có tiền chi trả viện phí, phải kêu gọi sức mạnh từ cộng đồng.

Bằng cách kêu gọi các tổ chức xã hội, các cá nhân… đóng góp BV Ung bướu TPHCM thành lập được Quỹ tấm lòng vàng. Mỗi năm, quỹ tiếp nhận vài tỷ đồng và số tiền này đã giúp được khoảng 3.000 lượt bệnh nhân thoát khỏi nỗi lo viện phí.

Lê Nguyễn- Huyền Trang
theo Tiền Phong

Từ khóa: