Tại hội thảo “Thị trường bất động sản phía Nam – Giải cứu tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng” vừa diễn ra sáng nay (18/1) ở TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, khó trông chờ vào việc Nhà nước sẽ mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản năm 2013 có thể được "làm ấm" - Ảnh IT
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tin vui cho các doanh nghiệp (DN) bất động sản trong năm 2013 là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, trong đó, chủ yếu tập trung hỗ trợ thị trường bất động sản.
“Ngoài giải pháp tài chính thì Nghị quyết số 02 còn chú trọng đến việc Nhà nước sẽ mua quỹ nhà ở thương mại sẵn có của các DN để làm nhà tái định cư thay vì đầu tư xây dựng mới nhà tái định cư. Điều này sẽ vừa giúp DN bán được hàng tồn kho, Nhà nước đỡ tiêu hao các khâu thiết kế, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng và người dân tái định cư có nhà chất lượng cao. Bộ Tài chính có thể ứng trước vốn ngân sách cho các địa phương để mua quỹ nhà này”, ông Nam nói.
Ngoài ra, Nghị quyết số 02 cũng xem xét cho các DN điều chỉnh tạm thời các dự án chưa thể triển khai sang hoạt động kinh doanh thể dục thể thao, dịch vụ ăn uống… Đồng thời, cho phép DN chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để giảm bớt khó khăn cho DN, khơi thông thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP.HCM lại cho rằng, DN không nên trông cậy quá nhiều vào việc Nhà nước sẽ mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư để giúp khơi thông thị trường. Bởi trên thực tế, TP.HCM không sử dụng hết nhà tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng đồng tình: “Hiện Hà Nội đang tồn kho 10.000 căn, TP.HCM tồn kho 5.400 căn tái định cư. Vậy Nhà nước mua nhà ở thương mại chuyển thành nhà tái định cư để làm gì? Còn nhà tồn kho là do đâu? Tồn kho là do diện tích lớn, giá bán cao, tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Bây giờ Nhà nước mua 1 căn hộ 1 tỷ đồng đem về để trong kho chờ người dân tái định cư mua? Không thể nào có như thế được”.
Mặc khác, người dân tái định cư chỉ được bồi thường 300-500 triệu đồng. Nay mua căn nhà 1 tỷ đồng và nợ lại 500 triệu đồng thì khả năng chi trả rất thấp. Bởi người dân tái định cư đa số là những người không làm ra tiền. Do đó chuyện chuyển nhà ở xã hội sang nhà ở tái định cư theo ông Đực là không khả thi.
|
Theo số liệu công bố tại hội thảo, tính đến tháng 11/2012, bất động sản cả nước tồn kho 16.469 căn hộ chung cư, trong đó, TP.HCM 10.108 căn và Hà Nội là 3.292 căn; 4.116 căn nhà thấp tầng, trong đó, Hà Nội 3.483 căn và TP.HCM 1.131 căn; đất nền hơn 1,6 triệu m2, trong đó, văn phòng là 25.870 m2. Tổng giá trị hàng tồn kho là 40.750 tỷ đồng. Ngoài ra còn có những sản phẩm tồn kho ở tình trạng dở dang, người mua góp tiền một phần và các nền đất đầu tư hạ tầng ở các KCN.
|
|
Để “giải cứu” thị trường bất động sản, ông Đực đề nghị, nên cho phép DN chia nhỏ căn hộ để tự kinh doanh, cũng như người dân tái định cư được tự chọn mua nhà ở xã hội thay vì phải mua nhà tái định cư của Nhà nước.
Còn về việc cho phép DN chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, ông Đực cho rằng: “Không nên đóng khung đối tượng mua trong giới công chức, quân nhân có thu nhập bao nhiêu và diện tích 8m2/đầu người rất là rắc rối. DN sẵn sàng làm nhà ở xã hội nhưng bán mà phải đi xét duyệt từng người, lỡ xét sai là bị quy vào tội cố ý làm sai. Vậy song song với nhà ở xã hội của Nhà nước, cần cho phép DN làm nhà ở xã hội theo phương thức thương mại theo điều kiện của nhà ở xã hội về quy hoạch kiến trúc, diện tích nhà, tiền sử dụng đất… DN cam kết sẽ giá bán bằng hoặc thấp hơn nhà ở xã hội của Nhà nước. Đây sẽ là một lối thoát cho nhiều DN bất động sản cũng như giúp nhiều người dân không phải là công chức, quân nhân, có điều kiện mua nhà”.
Về ảnh hưởng của Nghị quyết số 02 đến thị trường bất động sản năm 2013, ông Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Kế hoạch thị trường giá cả, thuộc Bộ Tài chính, nhận định: “Khi tiến hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong năm 2013 theo nền tảng của Nghị quyết 02 thì thị trường phía Nam được lợi nhiều nhất. Một là, vì đây là thị trường phát triển căn hộ lớn nhất. Hai là giá bất động sản ở phía Nam thấp hơn hẳn so với phía Bắc. Ba là, kể cả thống kê chính thức và không chính thức thì thu nhập ở phía Nam cao hơn phía Bắc. Đó là những điều kiện tiền đề về cung và cầu đối với thị trường bất động sản”.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản năm 2013, ông Ánh cho rằng, chỉ nên tập trung hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà thương mại trị giá trên dưới 1 tỷ đồng. Còn các phân khúc còn lại, không cần có chính sách ưu đãi riêng mà tự nó sẽ điều chỉnh theo thị trường.
Ông Trần Du Lịch thì cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng “làm ấm”. “Trong năm 2013, nó sẽ tự điều chỉnh mà không đi đến đổ vỡ. "Tôi đọc nhiều tin trên báo nói rằng, thị trường bất động sản năm 2013 sẽ giảm sâu và 2014 trở đi sẽ lún đáy. Đừng quá bi quan, có thể thị trường sẽ giảm sâu nhưng không lún đáy, nếu như Nghị quyết số 02 được tập trung làm hiệu quả”, ông Lịch nói.