Sự kiện hot
12 năm trước

Đường đi của dầu thải 'đen' ở các nhà hàng

Đường đi của dầu thải đen tuồn ra từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn vô cùng phong phú, đa dạng, dùng để chế biến rất nhiều món ăn.

Đường đi của dầu thải đen tuồn ra từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn vô cùng phong phú, đa dạng, dùng để chế biến rất nhiều món ăn.

Đầu bếp T., người có trên 20 năm làm bếp trưởng của một khách sạn có tiếng tiết lộ: “Các món chiên khi chế biến đều phải ngập dầu, do đó, sau mỗi ngày, lượng dầu đã qua chế biến từ 2 đến 3 món ăn bắt đầu có màu đen được các bếp bán ra ngoài. Giá bán 1 lít dầu thải đen này vào khoảng 12.000 - 15.000 đồng. Điểm đến của loại dầu thải đen này là những nơi chế biến quẩy, các loại bỏng ngô, ngô chiên…”.

Một cơ sở sản xuất ngô chiên từ dầu thải đen

Anh T cho biết thêm, với những khách sạn, nhà hàng lớn, vào vụ cưới, lượng dầu thải đen dư thừa sau mỗi ngày lên tới 400 lít, ngày thường khoảng 200 lít.

Theo lời chỉ dẫn của đầu bếp T., chúng tôi tìm tới nhà hàng Đ.T (đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội), một trong những nơi thường xuyên cung cấp số lượng dầu thải đen lớn. Ngỏ ý muốn đặt mua lượng dầu thải về chế biến các loại bỏng ngô, sau khi mặc cả nhiều lần, một quản lý bếp nhà hàng đồng ý giá bán 11.000 đồng/lít với điều kiện mua trên 20 lít/tháng. Cùng lúc, chúng tôi trao đổi với quản lý bếp, có 3 - 4 khách hàng đến mua dầu thải đen.

Theo chân một người đàn ông giới thiệu là chủ một cửa hàng sản xuất quẩy, chúng tôi có mặt tại ngõ 488 phố Trần Cung (xóm 4, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm). Dầu thải đen sau khi mua về được chủ cửa hàng đổ đầy ba chiếc chum sứ đen ngòm, cáu bẩn, nhớp nháp. Chủ cửa hàng cho biết, mỗi ngày làm chừng 30kg quẩy, chủ yếu bán cho các quán phở bình dân. Mỗi một mẻ dầu thải đen được chiên đi chiên lại 4 - 5 lần.

Sau hai ngày “án ngữ” cạnh quán, chúng tôi mới biết, số dầu này còn được chuyển tới xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) để chiên ngô, quẩy. Tiếp chuyện với chúng tôi, người đàn ông trung niên tỏ vẻ dè dặt, ông cho biết, mua dầu này để giảm chi phí sản xuất.

Ông tiết lô thêm: “Mỗi ngày, cơ sở của tôi tiêu thụ đi các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ chừng 100 – 200kg ngô chiên. Dùng dầu thải của nhà hàng thì mới có lãi!”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM phân tích: Khi dầu bị đun nóng nhiều, thành phần hóa học sẽ thay đổi, chuyển thành độc tố. Những chất độc này khi len lỏi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa, làm khó tiêu, gây nhức đầu, tiêu chảy, huyết áp tăng cao. Nguy hiểm hơn là gây bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch.

Để tiết kiệm chi phí, một số nhà hàng dùng dầu thải đen làm nguyên liệu tự chế biến dầu ớt và bột ớt. Ớt tươi, phẩm hoa hiên cùng với dầu thải đen sẽ làm thành dầu ớt. Bột ớt được dùng bột hạt điều để tẩm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, hàm lượng độc tố (PCP) mà con người có thể dung nạp tối đa trong một ngày là 10 picogram trên 1 kg trọng lượng cơ thể (1 picogram là  1/1.000 tỷ gram - PPT). Thế nhưng, trên thực tế ngưỡng an toàn này luôn bị phá vỡ.

theo Người Đưa Tin

Từ khóa: