Sở hữu gần 30.000 người hâm mộ và thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cho mỗi clip đăng tải trên YouTube, nick JVevermind (tên thật Trần Đức Việt) hiện là một trong những 9X Việt đình đám trên Internet.
Sở hữu gần 30.000 người hâm mộ và thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cho mỗi clip đăng tải trên YouTube, nick JVevermind (tên thật Trần Đức Việt) hiện là một trong những 9X Việt đình đám trên Internet.
Đức Việt trong đời thường - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tuy vậy Đức Việt không phải là ca sĩ hay người mẫu, bạn chỉ là một du học sinh thích ngồi chia sẻ thẳng thắn góc nhìn của bản thân về cuộc sống của người trẻ.
Đức Việt đã dành cho NST một buổi trò chuyện xoay quanh đề tài người Việt trẻ.
* Ý tưởng đăng clip trò chuyện của Việt bắt nguồn từ đâu?
- Tôi đăng clip đầu tiên trên YouTube vào tháng 11-2011 nhằm đưa ra ý kiến phản biện với clip của một du học sinh Việt hiện cũng đang học tại Mỹ. Trong clip này tôi góp ý, phân tích những điều bạn nói chưa chính xác về giới du học sinh cũng như xã hội Mỹ.
* Trong hầu hết các clip, bạn đều chọn cách trò chuyện thẳng thắn về những đề tài dễ gây tranh cãi như: thói sính ngoại, thói “khoe hàng” ở giới trẻ, fan cuồng K-pop... Có lẽ lượng anti-fan (người chống đối) của bạn cũng không ít?
- Chắc chắn là như vậy. Từ nhỏ tôi thấy hầu hết mọi người đều được gia đình dạy phải sống khéo léo và làm vừa lòng tất cả mọi người. Điều đó dĩ nhiên là cần thiết ở một chừng mực nhất định nhưng không nên áp dụng cho mọi trường hợp. Cuộc sống chỉ thật sự ý nghĩa nếu mình được sống và làm đúng với những suy nghĩ của bản thân, mọi người được nghe những góp ý thẳng thắn.
* Theo bạn, bản thân sẽ được và mất gì khi chọn lối sống thẳng thắn?
- Tôi không nghĩ nhiều tới chuyện được, mất mà chỉ quan tâm lối sống nào sẽ khiến mình cảm thấy thoải mái nhất. Hơn nữa việc “lập trình” bản thân phải nói điều người khác muốn nghe, làm những thứ người khác muốn thấy... là mình đang không tôn trọng chính bản thân mình. Chưa kể tham vọng làm vừa lòng tất cả mọi người là một điều không thể.
Dĩ nhiên thẳng thắn khác với “thẳng như ruột ngựa”. Tôi muốn nói lên sự thật để xây dựng chứ không phải bất chấp suy nghĩ từ người đối diện.
* Nhưng việc nhận ra ranh giới giữa đâu là góp ý để xây dựng và chỉ trích để đạp đổ rất mong manh, nhất là với một 9X.
- Chính vì thế mà tôi luôn đầu tư rất nhiều thời gian vào các clip của mình. Dù các clip chỉ dài 3-5 phút và trông có vẻ đơn giản nhưng tôi thường phải mất gần cả tuần để thực hiện, từ khâu lên ý tưởng, viết kịch bản, quay phim, chỉnh sửa... Bên cạnh đó, tôi cố gắng truyền đạt một số thông điệp nhỏ qua các clip, hi vọng tác động ít nhiều tới các bạn trẻ khác.
* Dành thời gian quan sát nhiều giới trẻ Việt, bạn có suy nghĩ gì về họ?
- Có hai điều khiến tôi băn khoăn:
Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhiều bạn trẻ trong nước hiện không phân biệt được đâu là giá trị thực, ảo. Chỉ cần có ngoại hình xinh, có mối quan hệ... họ nhanh chóng được lăngxê trên một vài tạp chí, báo mạng rồi từ đó ảo tưởng về bản thân mình. Họ sống chết vì những thứ phù phiếm hơn là vì giá trị thật sự bên trong bản thân.
Nhiều bạn trẻ buộc phải học và làm việc theo những lộ trình được vạch sẵn, chính kiến riêng bị xem nhẹ, dẫn đến việc họ không có quá nhiều sự lựa chọn cho chính cuộc sống của bản thân. Tôi mong nhiều bạn trẻ sẽ chấp nhận sống thẳng thắn hơn, bởi một xã hội sẽ khó phát triển nếu ai cũng xuê xoa, e dè và tránh né sự thật.
* Cách vài tuần bạn lại cho ra đời một clip trên YouTube, hẳn bạn là một 9X “nghiện” thế giới mạng?
- Ngoài thời gian dành cho việc đọc tài liệu, mỗi ngày tôi chỉ online 1-2 giờ để đọc mail và một số báo mạng... Tôi là người hướng ngoại, luôn đi du lịch, giao du với bạn bè và chơi thể thao mỗi khi rảnh rỗi. Sẽ khó có thể nói về những điều sát sườn người trẻ nếu chỉ biết vùi đầu ngày đêm vào máy tính.
* Cảm ơn Đức Việt về buổi trò chuyện này.
Từng theo học hệ chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (niên khóa 2007-2010), Đức Việt du học lớp 12 tại Mỹ theo chương trình giao lưu văn hóa năm 2009. Sau khi tốt nghiệp cấp III, Việt trúng tuyển vào ba trường đại học và quyết định theo học ngành truyền thông đa phương tiện tại ĐH Cameron (bang Oklahoma, Mỹ) với học bổng toàn phần. Trong suốt quá trình học ĐH, Việt luôn duy trì điểm số tuyệt đối 4/4. |
Theo Tuoitre