Diễn biến giá lương thực giảm như thời gian qua có thể nói là hiếm thấy. Điều này thể hiện trên nhiều mặt, trước hết, giá lương thực đã giảm 6 tháng liền và tính chung 6 tháng, giá lương thực đã giảm 4,68%.
Diễn biến giá lương thực giảm như thời gian qua có thể nói là hiếm thấy. Điều này thể hiện trên nhiều mặt, trước hết, giá lương thực đã giảm 6 tháng liền và tính chung 6 tháng, giá lương thực đã giảm 4,68%.
Thứ hai, giá lương thực giảm vào dịp Tết Nguyên đán và vào thời kỳ giáp hạt dài nhất đối với miền Bắc và miền Trung là hiện tượng hiếm thấy từ trước tới nay. Giá lương thực cả năm giảm cũng đã từng diễn ra (như các năm 1992, 1995, 1999 và 2000), nhưng chủ yếu là vào các tháng khác trong năm, chứ hầu như không rơi vào tháng 1, tháng 2 như năm nay.
Thứ ba, giá lương thực giảm trong khi cùng thời gian, giá các loại hàng ngoài lương thực lại tăng cao (giảm 4,68% so với tăng 3,6%). Bán thì rẻ, mua thì đắt, tất yếu sẽ làm cho người sản xuất lương thực bị thiệt thòi. Đó là chưa kể so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp lại tăng lên (riêng giá nhập khẩu phân bón các loại tăng 17,3%).
Giá lương thực giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng do sản lượng lương thực được mùa và có sản lượng tăng liên tục trong 10 năm liền, đạt đỉnh cao nhất vào năm 2011 (gần 47 triệu tấn, với mức bình quân đầu người đạt 535 kg). Lúa đông xuân của cả nước ước đạt kỷ lục mới, có thể cao hơn khoảng 430.000 tấn so với năm trước. Lúa hè thu ở miền Nam bước vào thu hoạch rộ.
Có nguyên nhân do tiêu dùng lương thực quy gạo bình quân đầu người/tháng đã giảm xuống (nếu năm 2002 ở mức 13,4kg thì 2010 chỉ còn 10,8kg). Có nguyên nhân do xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm trước đã bị giảm cả về lượng (giảm khoảng 12%), cả về giá (khoảng 5,7%), cả về thị trường do sự cạnh tranh của một số nước như Ấn Độ, Pakistan...
Trong khi đó, nhập khẩu tăng về lượng như lúa mì tăng trên 20%, ngô tăng gần 30%... Có nguyên nhân do thiếu biện pháp hỗ trợ nông dân khi được mua mất giá, hoặc việc thực hiện mua tạm trữ thì chậm, tính toán thiệt hơn với nông dân...
Giá lương thực có công đầu trong việc kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm, đem lại niềm vui cho những người có thu nhập bằng tiền thấp, góp phần ổn định xã hội. Tuy nhiên, đây lại là sự thiệt thòi của người làm ra lúa gạo. Để giúp nông dân giảm thiệt thòi, cần tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nhất là vào các thị trường truyền thống; khi giá giảm thấp thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương tập trung mua nhanh gạo dự trữ chờ xuất khẩu...
theo Dân Việt