Theo chuyên gia, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi của ngân hàng càng tăng, thì nguồn vốn càng rẻ và như vậy, càng có cơ hội để giảm lãi suất cho vay.
Doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện vay vốn
Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, do Việt Nam có sự khác biệt trên thế giới nên đã không thể đón được xu hướng giảm lãi suất của những năm trước, mà vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao.
Nhưng đến nay, chúng ta phải xoáy sâu vào câu chuyện bối cảnh thực tế có giảm được lãi suất hay không, bởi một số vấn đề như: Một là, trong kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đặt mục tiêu phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%, nhưng hiện tại câu chuyện này là vô cùng khó khăn, thách thức.
Hai là, mức lãi suất cho vay tốt nhất đâu đó khoảng 4,5% được áp dụng với 5 lĩnh vực ưu tiên, mà để các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này là hết sức hạn chế, đòi hỏi phải có tình hình tài chính lành mạnh, có khả năng trả nợ, kinh doanh có lãi và minh bạch về kiểm toán, xác nhận thuế...
“Qua một cuộc khảo sát nhỏ của tôi với 100 doanh nghiệp tại Hội nghị ở tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua, thì gần như không có doanh nghiệp nào đạt được chuẩn đó, nên cũng không bao giờ được hưởng mức lãi suất 4,5%. Song điều nguy hiểm nhất đó là, những doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi thì lại là những doanh nghiệp có lượng tiền gửi rất lớn trong ngân hàng, họ vẫn tiếp tục “trò chơi tài chính” vay lãi suất thấp gửi ở ngân hàng lãi suất cao để hưởng chênh lệch”, ông Hoè cho biết.
Ba là, tháng 6 tới đây, Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực, trước vấn đề giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì các ngân hàng thương mại phải tiếp tục xử lý các khoản nợ có vấn đề và nợ xấu đã dềnh lên. Lúc này, trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, khiến việc giảm lãi suất cho vay là một bài toán vô cùng khó với phía ngân hàng.
Ngoài ra, trong hơn 11 triệu tỷ đồng tiền gửi hiện nay trong hệ thống ngân hàng, bao gồm 5,5 triệu tỷ tiền gửi của dân cư, còn lại của các tổ chức kinh tế, phần lớn đều là lãi suất có kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất cao; còn lãi suất dưới 3 tháng rất ít, bên cạnh đó còn các chi phí khuyến mại. Các ngân hàng thương mại đang phải nhích dần lãi suất huy động để hút tiền gửi.
Thứ tư là, về câu chuyện áp chế tài chính, thực chất trong luật, Ngân hàng Nhà nước đã có một điều khoản rằng, trong trường hợp thị trường có những biến động đặc biệt, thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp đặc biệt để khống chế lãi suất của thị trường. Nhưng nhìn vào tình hình thị trường hiện tại thì chưa có gì quá nóng sốt để phải áp chế. Để có được lãi suất thấp, lãi suất thực âm như Nhật Bản hay Trung Quốc thì phải nói rằng, ngân sách của các quốc gia này rất mạnh, dự trữ ngoại hối cao, họ sẵn sàng có những biện pháp để áp chế tài chính nhưng phải bù lại lợi ích cho người gửi tiền”, ông Hoè phân tích.
Gia tăng nguồn vốn giá rẻ
Mong muốn của doanh nghiệp hiện nay là được giảm lãi suất cho vay, thay vì mức lãi suất dao động bình quân từ 9 - 11% một năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn phải đi vay với mức cao hơn. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đáp ứng kỳ vọng này của các doanh nghiệp, có một số vấn đề cấn lưu ý đó là:
Thứ nhất, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường tài chính, mở các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp thay vì phụ thuộc quá nhiều, tới 80 - 90% vào hệ thống ngân hàng. Cũng chính vì nhu cầu vốn lớn quá, nên ngân hàng không có động cơ để giảm lãi. Cho nên, việc phát triển thị trường tài chính, chứng khoán nhằm tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp là rất tốt. Tuy nhiên, vì là thị trường còn non trẻ, nên có một điểm phải khắc phục là kiểm soát sự tham gia của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào việc bơm tiền cho thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu...
“Làm sao có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi các ngân hàng dùng cách này hay cách khác mua trái phiếu doanh nghiệp, mà hiện nay họ đang phát hành với lãi suất cao nhất tới 18% một năm. Điều đó không giúp đa dạng hoá các kênh huy động mà doanh nghiệp còn không tìm được nguồn vốn rẻ trên thị trường tài chính, nhất là với trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian vừa qua.
Bình thường, trái phiếu doanh nghiệp phải cao hơn lãi suất tiền gửi và thấp hơn lãi suất cho vay, thì mới đảm bảo mục tiêu của phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thật trớ trêu khi ở Việt Nam, lãi suất này còn cao gấp rưỡi so với lãi suất đi vay ở hệ thống ngân hàng, làm mất bản chất thực của trái phiếu doanh nghiệp”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Thứ hai, với bài học từ các nước có nền kinh tế phát triển hàng trăm năm nay, điều kiện tiên quyết là phải có một Ngân hàng Trung ương độc lập thực sự. Nhưng việc này còn khá khó cho Việt Nam trong giai đoạn tới đây. Kéo theo đó là việc chúng ta phải hoàn thiện các công cụ điều hành trên thị trường tiền tệ.
Thứ ba, liên quan trực tiếp đến các ngân hàng thương mại, quan trọng là các ngân hàng có giảm được lãi suất hay không thì phải có nguồn vốn dài hạn. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi càng tăng thì nguồn vốn của ngân hàng càng rẻ và như vậy, họ càng có cơ hội để giảm lãi suất cho vay. Như vậy, cần thiết phải tìm được các nguồn vốn rẻ.
Tiếp theo là giảm chi phí hoạt động, các ngân hàng thương mại hiện đang áp dụng công nghệ tài chính hiện đại, giúp giảm chi phí, đặc biệt là chi phí về nguồn nhân lực, thông qua đó, cũng giúp giảm chi phí trong vận hành của bộ máy.
Đáng chú ý, quản trị rủi ro của các ngân hàng rất quan trọng. Ví dụ gần đây, một số ngân hàng đã có những khoản cho vay rủi ro cao, một mặt làm tăng nợ xấu nhưng mặt khác cũng làm tăng dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Khi tăng dự phòng rủi ro thì sẽ phải trích lập dự phòng, sẽ càng làm gia tăng khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Thứ tư, liên quan đến việc sử dụng trái phiếu Chính phủ, hiện nay có hai loại gồm: Trái phiếu phát hành quốc tế bằng ngoại tệ và phát hành bằng nội tệ trên thị trường trong nước. Nếu về kỳ hạn, chúng ta có rất nhiều loại trái phiếu dài hạn 3-5 năm, gần đây còn thêm những sản phẩm lên tới 15 - 30 năm. Với những kỳ hạn dài như thế, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ như một công cụ để giúp điều hành chính sách tiền tệ.
“Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần phát triển mạnh thị trường thứ cấp từ trái phiếu Chính phủ này, nhưng phải lưu ý hai điểm nhỏ ở đây là làm sao để hạn chế hành vi của các ngân hàng thương mại trong việc nắm giữ các trái phiếu Chính phủ. Vì vô hình chung, nếu trái phiếu Chính phủ chỉ do các ngân hàng thương mại sử dụng huy động để mua, thì vai trò ý nghĩa của nó trong việc bơm hút tiền cho nền kinh tế sẽ giảm đi rất nhiều”, TS. Vũ Đình Ánh khuyến nghị.
Ngọc Diễm
Theo reatimes.vn