Khoảng 60-70% chi phí cho y tế ở Việt Nam được dành mua thuốc, trong khi ở nước ngoài, tỉ lệ này luôn dưới 50%. Bất hợp lý này đang hạ thấp chất lượng dịch vụ y tế.
Khoảng 60-70% chi phí cho y tế ở Việt Nam được dành mua thuốc, trong khi ở nước ngoài, tỉ lệ này luôn dưới 50%. Bất hợp lý này đang hạ thấp chất lượng dịch vụ y tế.
Phần chi cho thuốc bất hợp lý, lạm dụng thuốc (một đơn trung bình có năm loại, tối đa có đơn đến... 20 loại) đã kéo tụt chất lượng dịch vụ y tế vì không có tiền chi phí cho dịch vụ vệ sinh, cải thiện giường bệnh, phòng bệnh, tăng tỉ lệ điều dưỡng/giường bệnh để triển khai chăm sóc bệnh nhân toàn diện.
Giá thuốc cao, chất lượng dịch vụ giảm
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hai văn bản yêu cầu tạm dừng thanh toán với hai loại thuốc do có tình trạng cùng một loại thuốc, nhưng giá bán vào các bệnh viện chênh lệch, mức chênh lệch tối đa lên đến...12 lần.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh - Phó giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm X hội Việt Nam) - cho hay năm 2012, dự kiến chi phí khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế chi trả trên 30.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 20.000 tỉ đồng chi cho mua thuốc. Đó là chưa tính phần chi của những bệnh nhân thanh toán viện phí trực tiếp.
|
Mua bán thuốc tây tại đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
|
“Nếu tiết kiệm được chi phí từ mua sắm, sử dụng, đấu thầu thuốc vào bệnh viện chỉ 1-2%/khâu, phần tiền thuốc tiết kiệm được mỗi năm sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng, có thể góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế” - ông Tỉnh nói.
Quản lý giá thuốc bằng cách nào?
Hướng dẫn đấu thầu thuốc mới vào bệnh viện đã có hiệu lực từ tháng 6/2012 được đánh giá chặt chẽ hơn trước đây, chia thuốc theo nhóm hàng châu Âu và các nước công nhận lẫn nhau về thanh tra, hàng Việt Nam, hàng châu Á...
Ông Nguyễn Tá Tỉnh cho rằng quy định tốt nhưng mỗi hội đồng thầu - người thực hành - là rất quan trọng, bởi thực tế thời gian qua mặc dù có quy định về đấu thầu thuốc nhưng giá thuốc trúng thầu lại cao hơn giá bán lẻ là rất bất hợp lý.
Cục Quản lý dược vừa có hai chuyến khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan, lần đầu tiên có cái nhìn rõ ràng về giá thuốc ở các nước trong khu vực. Theo khảo sát này, điều bất ngờ là giá thuốc tại Việt Nam thấp hơn so với giá thuốc ở Trung Quốc và Thái Lan.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lý do của tình trạng này là việc khảo sát chỉ thực hiện trên thuốc của các công ty đa quốc gia, có tên sản phẩm, hàm lượng, nhà sản xuất trùng khớp với sản phẩm có mặt tại thị trường Việt Nam, có chính sách giá phù hợp với thu nhập người dân từng nước. Trong khi những sản phẩm rối loạn nhất về giá tại Việt Nam lại xuất phát từ các nước châu Á, với tên sản phẩm riêng biệt có khi chỉ có ở thị trường Việt Nam.
Nhiều loại thuốc được bán ở bệnh viện với giá cao bất thường, thậm chí còn cao hơn cả giá bán đã bao gồm lợi nhuận, thuế VAT, lương nhân viên, chi phí văn phòng, lãi vay... mà nhà nhập khẩu đã đăng ký với Cục Quản lý dược.
Thuốc Azithral Ịnjection của Alembic có giá bán đăng ký với Cục Quản lý dược là 46.193 đồng/lọ, nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện T.Ư Huế lên đến 92.000 đồng/lọ, vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM là 90.000 đồng.
Thuốc Atorota viên có giá đăng ký là 750 đồng, trúng thầu vào Bệnh viện C Đà Nẵng là 1.950 đồng/viên; thuốc Fimabute có giá đăng ký là 1.067 đồng/viên, trúng thầu vào Bệnh viện VN - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) là 5.800 đồng/viên.
Thuốc Grabos có giá đăng ký 869 đồng/viên, trúng thầu vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM là 3.400 đồng/viên; thuốc Azilide có giá đăng ký là 2.798 đồng/viên, trúng thầu vào Bệnh viện ĐH Y Hà Nội là 9.500 đồng/viên...
|
Theo Tuổi Trẻ