Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng mạnh trong năm 2022

Năm 2022 trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 54,9% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 16,77% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,06 điểm phần trăm so với năm 2021.

Viên nén và dăm gỗ có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2022, mặt hàng dăm gỗ và viên gỗ nén có tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh.

Trong đó, trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 54,9% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 16,77% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,06 điểm phần trăm so với năm 2021. Tiếp theo là mặt hàng viên nén gỗ đạt 778,5 triệu USD, tăng 83,6% so với năm 2021, tỷ trọng chiếm 4,86%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2021.

Hiện tại trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với dăm gỗ và viên nén gỗ ngày càng gia tăng, bởi cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén gỗ trong tương lai, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ ngày càng tăng.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% (xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021). Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản..

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Như vậy, ngành lâm sản năm nay xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021. 

Năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Để đạt được mục tiêu trong năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Tiến Hoàng

Theo Kinh tế & Đồ uống 

Từ khóa: