Sự kiện hot
12 năm trước

Giới trẻ 'chơi' chất gây nghiện tới mức báo động

Khoảng 4-5 năm trở lại đây tình trạng thanh, thiếu niên lạm dụng một số chất gây nghiện có tác dụng giống như những tiền chất ma túy và một số loại thảo dược thuộc họ cần sa đang trở nên phổ biến.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây tình trạng thanh, thiếu niên lạm dụng một số chất gây nghiện có tác dụng giống như những tiền chất ma túy và một số loại thảo dược thuộc họ cần sa đang trở nên phổ biến.

Các chất gây nghiện như thuốc phiện, cocaine, heroin, cần sa hay tổng hợp như amphetamine…chúng tác động đặc biệt vào hệ thần kinh trung ương và nếu dùng lặp lại nhiều lần thì sẽ dẫn đến trạng thái nghiện ma túy.

Báo động “chơi” ở giới trẻ

Hiện nay một số thanh, thiếu niên (kể cả học sinh phổ thông) ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… đang lạm dụng việc hít các dung môi hữu cơ trong các loại keo dán gỗ, nhựa, kim loại. Số trẻ em hít ngày càng nhiều, nhiều học sinh (chủ yếu ở độ tuổi từ 9-18 tuổi) bỏ cả trường lớp theo các bạn lớn tuổi hơn ngồi cả ngày trong cửa hàng Internet để hít keo. Hình thức sử dụng rất đơn giản, với giá thành “cực rẻ”, các đối tượng mua các ống keo dán gỗ, nhựa, kim loại đổ ra các túi nilông ở cửa hàng tạp hóa rồi đưa lên mũi để hít.

"Pin" trá hình thành điếu thuốc.

Nếu sang hơn một chút thì “hút cỏ”mà dân chơi (người sử dụng) thường gọi bằng các tên gọi khác nhau, ở Hà Nội, Hải Phòng dân chơi thường gọi là: “pin”, “cỏ Malay”, còn ở thành phố Hồ Chí Minh dân chơi gọi là “cỏ Ca” hay còn gọi là “thuốc lào Canada”, bởi chúng có xuất xứ từ Canada. “Pin” được chế biến dưới dạng sợi thuốc gói trong túi nylon hoặc ép thành bánh để dân chơi xắt ra, bóp vụn rồi quấn vào giấy để hút và thường ngụy trang pin như điếu thuốc lá bình thường và có thể “sạc pin” (hút, sử dụng) ở bất cứ đâu.

Một trào lưu mới được giới trẻ ưa chuộng đó là hút Shisha. Shisha là một kiểu thút thuốc qua ống nước, phổ biến ở các quốc gia Ảrập, trong đó những loại thảo mộc tạo mùi thơm được đốt cách nhiệt bằng than, qua một ống nước và người dùng hít khí vào bằng ống. Tuy nhiên, cách hút này hiện đã phổ biến đến nhiều nước châu Á, và tại các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Canada... như một thú tiêu khiển. tại Việt Nam gần đây, để “làm mới” trào lưu, nhiều nơi còn kinh doanh kiểu biến tướng shisha như pha thêm rượu mạnh thay nước đun để tăng độ “phê”. Thậm chí một số thanh, thiếu niên đang sáng tạo ra những cách hút shisha đầy mạo hiểm bằng việc kết hợp với cần sa.

Hủy hoại sức khỏe và tương lai

Theo kết quả phân tích hai loại keo mà giới trẻ thường sử dụng trên cho thấy: trong hai loại keo này có 28 loại dung môi hữu cơ khác nhau, trong đó có ba loại rất độc cho sức khỏe là methylene chloride (hàm lượng 12,95%), ethyl acetate (6,20%) và toluene (77,11%). Ngoài ra, trong hai loại keo này còn có nhiều loại hóa chất độc hại khác nhưng ở hàm lượng thấp hơn các loại trên như xylene, benzene, butyl acetate, ethyl cyclopentane... Nếu hít thời gian ngắn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây trầm cảm, ức chế hô hấp, tổn hại phổi, hại gan, thận, gây suy tủy xương, rối loạn nhịp tim, thoái hóa não, ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên; nếu hít thường xuyên, lâu dài sẽ bị bệnh ung thư.

Đối với loại pin hay còn gọi là “hút cỏ” cũng gây nghiện như các loại ma túy khác, người hút lâu dài sẽ tổn thương các tế bào não và có thể làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung. Điều đặc biệt, nếu như những người sử dụng các chất ma túy khác khi bị cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành xét nghiệm nhanh tại chỗ bằng các loại thuốc thử thông thường sẽ cho kết quả dương tính, nhưng đối với người sử dụng “pin” khó xét nghiệm có dính chất ma túy hay không vì một số xét nghiệm nhanh không phản ứng với loại “pin” này. Do vậy, cơ quan chức năng muốn biết rõ có kết quả chính xác thì phải làm xét nghiệm chuyên biệt hơn.

Hút shisha cũng gây nghiện

Theo quan niệm của nhiều dân chơi những hút Shisha không hại và không gây nghiện như heroin, thuốc phiện, thuốc lắc,…. Vì hút shisha có điểm đặc biệt hơn vì Shisha có thành phần là thảo dược, mật ong... Hút Shisha được coi là một nét văn hoá trong giao tiếp của người Ả-rập và một số nước thuộc khu vực Trung Đông và đa số mọi người coi là “không độc hại gì”.. Hiện tại ở nước ta chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự độc hại của shisha nên nó không có trong danh mục hàng cấm và được nhập khẩu, buôn bán, sử dụng công khai. Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc nghiên cứu shisha được thực hiện rất nghiêm ngặt và chuyên sâu. Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 đến 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotin so với hút một điếu thuốc lá.

Một nghiên cứu của Anh cho biết, kiểu hút này sản ra lượng khói độc CO cao hơn cả thuốc lá. Nếu một người hút hết một mẻ này, thì lượng khí CO mà họ hít phải cao gấp ít nhất 4-5 lần so với một điếu thuốc tạo ra. Hàm lượng CO cao có thể dẫn đến tổn thương não và bất tỉnh. Người hút shisha hít độc chất từ hắc ín gồm monoxide carbon (CO), các kim loại nặng và các hoá chất gây ung thư (carcinogen) gấp 100 lần so với hút thuốc lá, nước trong bình shisha không lọc được các thành phần độc hại trong khói thuốc.

Khí CO làm giảm lượng oxy đến phổi và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hẹp mạch máu, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Bình nước trong shisha còn là nơi tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn có thể các bệnh lây nhiễm như: bệnh lao, cúm, virut, viêm gan,… nhất là khi nhiều người sử dụng chung. Vì vậy, hậu quả là người hút phải luỵ đến các chất gây nghiện khác như thuốc lắc và ma tuý thật sự. Đến đây đúng là bước cuối tới cửa tử!

Theo SK&ĐS

Từ khóa: