Đi lễ chùa, dâng hương, cầu an, cầu tài, cầu lộc đầu năm tại các khu, điểm du lịch tâm linh như đền, chùa, miếu là nét đẹp truyền thống trong hoạt động tín ngưỡng văn hóa tâm linh người Việt. Tuy nhiên, cách xử sự của một bộ phận người dân hiện nay còn chưa phù hợp, dẫn đến những hình ảnh phản cảm, biến tướng, lệch lạc.
Váy ngắn, áo xuyên thấu “vô tư” vào đền, chùa
Dạo quanh các chùa Phúc Khánh, chùa Hà, đền Và hay tại Phủ Tây Hồ, không khó bắt gặp các cô gái trẻ mặc váy ngắn, áo xuyên thấu, quần tất lưới chắp tay lễ Phật. Nhiều người còn mặc cả áo và váy chống nắng vào chốn linh thiêng. Mặc dù, ở một số ngôi chùa như Trấn Quốc, Một Cột… đều có tấm biển ghi rõ “Đề nghị quý khách lưu tâm, không mặc quần áo ngắn vào chùa”, song dường như phái đẹp cố tình không nhìn thấy những lời nhắc nhở này.
Đáng buồn hiện nay, không ít người, nhất là người trẻ, không ngại ăn mặc thiếu kín đáo nơi cửa chùa.
Bên cạnh đó, không ít người vào chùa tham quan, hành lễ nhưng hò hét, nói chuyện điện thoại rôm rả, chen lấn chụp hình như chốn vui chơi. Có người dẫn theo trẻ nhỏ và để trẻ thoải mái đùa giỡn, gây ồn ào.
Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một sư thầy cho biết: “Người lớn tuổi đến chùa ăn mặc rất chỉnh tề, nhưng các bạn trẻ lại ăn mặc phóng khoáng. Rất nhiều bạn trẻ không hiểu ý nghĩa của việc đi chùa. Họ đến chùa theo phong trào, đi cùng nhóm bạn, hành lễ qua loa và chủ yếu tham quan chụp hình”.
Ở một góc độ khác, để xảy ra tình trạng này một phần do nhà chùa buông lỏng khâu quản lý, tổ chức lễ hội. Khu vực trước chùa, đền, phủ thành địa điểm kinh doanh, bày bán đủ thứ nhang, hoa, chim phóng sinh, sách kinh Phật, bói toán. Nhiều người còn tập trung nơi đây chèo kéo bán tăm, vé số. Các quán chay, giữ xe xung quanh chùa cũng tấp nập ra đời, cạnh tranh, giành khách.
Đến dâng hương tại phủ Tây Hồ, chị Lê Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm nhân viên kinh doanh, nên những ngày nghỉ, mồng Một hay rằm đều đến phủ thắp hương. Thường những ngày đó số lượng người đến đây rất đông dẫn tới tình trạng chen lấn để dâng hương. Khuôn viên phủ nhỏ hẹp lại kẻ ra, người vào tấp nập, xô đẩy nhau, bày bỏ giày dép lộn xộn. Con đường dẫn vào chùa nhỏ, trong khi lượng người đến dâng hương đông nên gây cản trở giao thông”.
Có mặt tại đền Và (TX.Sơn Tây, Hà Nội) vào ngày Rằm, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng người dân chen lấn hành lễ, tranh nhau mời chào viết sớ, buôn bán vàng mã, đổi tiền lộn xộn... Một số lư hương ngoài trời bùng cháy do người dân thắp hương quá nhiều, trong khi đó, người hành lễ còn cho đó là điềm lành được phần âm ghi nhận, chứng giám lòng thành.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay tôi tới đền Và thắp hương ngày Rằm, nhìn đền khang trang, tôn nghiêm nhưng nhiều bạn trẻ thản nhiên mặc váy ngắn, cười nói, chụp hình làm mất vẻ đẹp của di tích lịch sử, tôn giáo này”.
Đáng buồn, hiện nay, không ít người, nhất là người trẻ, không ngại ăn mặc thiếu kín đáo nơi cửa chùa. Dạo quanh các chùa Trấn Quốc, Quán Sứ…, chẳng khó khăn gì để bắt gặp các cô gái trẻ trung diện áo giấu quần, váy ngắn, áo xuyên thấu, quần tất lưới... chắp tay lễ Phật.
Giữ gìn văn hóa khi đi lễ đền, chùa
Ở một số nước trên thế giới, nhiều đền, chùa chuẩn bị sẵn khăn quấn, áo có tay để “hỗ trợ” khách tham quan, du lịch, nếu họ có ăn mặc hơi "thoáng". Ở Việt Nam, một số đền, chùa cũng có dịch vụ cho du khách thuê trang phục khi vào lễ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ mỹ học Phạm Thế Hùng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), giải pháp này chỉ phù hợp với khách du lịch quốc tế, vì vừa giúp họ “nhập gia tùy tục”, vừa kích thích phát triển du lịch nước nhà. Còn đối với người dân Việt Nam thì vẫn phải “đánh” vào ý thức, môi trường giáo dục.
Đi chùa lễ Phật cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình trong năm mới.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển bày tỏ: “Chúng ta cần một quá trình để giáo dục đến nơi đến chốn, mặt khác vẫn cần những quy định. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và toàn cộng đồng để tạo ra dư luận xã hội, nhằm từng bước chấm dứt tình trạng này”. Trong bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà TP Hà Nội sắp ban hành cũng hướng đến cả lời khuyên ăn mặc nơi đình, chùa, nhằm chấn chỉnh việc mặc của người dân khi đi lễ chùa.
Một sư thầy chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Trước chùa có biển cấm thắp hương lên tường rào, gốc cây nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức thắp hương mọi nơi xung quanh chùa. Nhiều bạn trẻ vô ý mặc váy ngắn, mang cả giày dép vào trong chùa, trên đài dâng hương, dù đã có biển lưu ý. Khi thấy những trường hợp này, các thầy đều nhắc nhở, chỉ dạy để mọi người hiểu rõ, hành lễ đúng nghĩa, giữ gìn nét đẹp khi đi lễ chùa”.
Ông Tạ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND TX.Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Để hạn chế những hành vi thiếu ý thức khi đi lễ chùa, nhiều chùa đã có những nội quy cụ thể, khi vào chùa có các thầy hướng dẫn, nhắc nhở người dân. Tuy vậy, để thay đổi những hành vi không đẹp khi vào viếng chùa, bên cạnh những quy định cũng rất cần có quá trình để giáo dục ý thức mọi người”.
Đi lễ chùa là truyền thống văn hóa có từ hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn văn minh nơi cửa chùa, đặc biệt là cách ăn mặc cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tương Mai
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng