Trong năm 2023, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2022 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của TP đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu của các tỉnh, TP để đóng gói, xuất khẩu.
Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc... vẫn tiếp tục được bạn hàng đánh giá cao.
Đây được coi là một trong số ít mặt hàng nông sản chính tăng trưởng khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác sụt giảm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, Hà Nội đang nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng...
Thành phố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài… Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước...
Ở lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau quả an toàn, hữu cơ, phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trong năm 2022, toàn ngành Nông nghiệp có giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%- mức tăng cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây; giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng trên 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8 %; đồ gỗ và lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản khoảng 11 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%...
Đáng chú ý là tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Để có được kết quả này, Bộ NN-PTNT đã triển khai hàng loạt các giải pháp, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt kỷ lục mới.
Năm 2023 được dự báo là một năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nông sản. Dù vậy, thách thức luôn là điều luôn sẵn có. Do đó, để vượt qua các rào cản, cán đích và vượt mục tiêu về giá trị xuất khẩu đề ra đòi hỏi ngành NN&PTNT cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu của từng thị trường; sớm tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, linh hoạt trong từng giai đoạn của thị trường để nắm bắt các sản phẩm có thế mạnh. Cùng với đó là ưu tiên tổ chức các hoạt động tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng. Song song với đó, từng bước khắc phục các khó khăn, điểm yếu của các mặt hàng nông sản để từng bước chinh phục các thị trường.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống