Để cụ thể hóa khoản 2,3 của Điều 16 Luật Thủ đô, sáng 4-5 tại phiên họp thường kỳ, tập thể UBND TP Hà Nội đã xem xét, cho ý kiến về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp;
Để cụ thể hóa khoản 2,3 của Điều 16 Luật Thủ đô, sáng 4-5 tại phiên họp thường kỳ, tập thể UBND TP Hà Nội đã xem xét, cho ý kiến về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có koảng 1155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ ( 1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Trong đó, cơ quan quản lý nhà đất của thành phố quản lý, ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để ở với diện tích nhà ở khoảng 1,8 triệu m2. Ngoài ra, còn các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố, nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.
Nhìn chung, các khu chung cư cũ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Thành phố mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I 1-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, đến nay thành phố mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ, triển khai 2/3 khu chung cư cũ thí điểm xây dựng mới theo kế hoạch.
Thành phố đã đưa ra 4 nhóm biện pháp để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Theo đó, biện pháp về tổ chức thực hiện gồm 6 nội dung chủ yếu quy định trách nhiệm của thành phố trong xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực hiện, bố trí vốn ngân sách để lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở mới phục vụ việc di chuyển các hộ dân và xây dựng lại trong khu vực 4 quận nội thành cũ. Biện pháp thực hiện cơ chế đầu tư gồm 3 nội dung, nổi bật là cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện đự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ, áp dụng hình thức BT trong thực hiện cơ chế đầu tư đi đôi với việc lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định. Biện pháp ưu đãi đối với người dân thuộc phạm vi dự án gồm 4 nội dung, trong đó đáng chú ý là việc cho phép mua nhà xã hội trong trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Và cuối cùng là biện pháp ưu đãi đối với nhà đầu tư gồm 4 nội dung, theo đó thành phố sẽ cho phép nhà đầu tư xây dựng quỹ nhà trung chuyển để tạm cư. Sau khi hoàn thhành dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thì thu hồi quỹ nhà để thành phố xem xét, quyết định.
Đối với việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954. Hiện toàn thành phố có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. 1024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và 642 biệt thự thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Hà Nội hiện đang có 509 biển số nhà trong phạm vi phố cổ, các tuyến phố cần bảo vệ tôn tạo.
Tại tờ trình về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã đưa ra 4 nhóm giải pháp thực hiện. Thứ nhất là biện pháp tổ chức thực hiện, rà soát, phân loại thành 3 nhóm để có quy định về quản lý, cải tạo, phục hồi và phá dỡ. Cụ thể, nhóm 1 công trình xây dựng trước năm 1954 gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật, công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc. Nhóm 2, công trình có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1. Nhóm3 công trình không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Biện pháp thứ 2 là thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 gồm 6 nội dung trong đó nổi bật là việc cho phép thu gom về một chủ. Thành phố tạo quỹ đất sạch để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phục hồi nhà cổ, biệt thự, công trình kiến trúc theo phương thức xã hội hóa.
Thứ 3 là biện pháp ưu đãi đối với người dân gồm 3 nội dung, trong đó nổi bật là quy định nếu chủ sở hữu tự phá dỡ các công trình không thuộc kiến trúc nguyên thủy thì sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ bồi thường quy định.
Biện pháp thứ 4 là ưu đãi dành cho nhà đầu tư, trong đó có nội dung cho phép nhà đầu tư được áp dụng chính sách khuyến khích như đối với lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục.
Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh lưu ý, đối với quy định cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, các cơ quan soạn thảo cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp cố tình không thực hiện. Đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính. Đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi của người dân trong diện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đề nghị cần có biện pháp ưu tiên để ngoài việc chuyển tới nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ, thành phố cần ưu tiên cho họ trong việc mua nhà tái định cư cả về vị trí, diện tích.
Đà Đông
theo Hà Nội mới