Sự kiện hot
3 năm trước

Hành trình trở thành công ty 1,7 tỷ USD của Hóa chất Đức Giang

Chỉ trong một năm, kết quả kinh doanh ấn tượng giúp thị giá cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang tăng gần 300%. Nhờ đó, vốn hóa doanh nghiệp này tăng hơn 1,25 tỷ USD.

Với việc thị giá tăng gấp rưỡi chỉ trong một tháng qua, cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đang liên tục phá đỉnh lịch sử từng ghi nhận trước đó trên thị trường chứng khoán. Không chỉ lần đầu đưa thị giá vượt mốc 200.000 đồng/cổ phiếu, đà tăng mạnh gần đây của DGC còn đưa cổ phiếu này vào nhóm có thị giá cao nhất thị trường.

Nếu tính trong 1 năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu này đã tăng một mạch gần 290% từ vùng dưới 60.000 đồng vào tháng 3/2021 lên mức 227.100 đồng/cổ phiếu hiện tại (cuối ngày 23/2).

Đà tăng nhanh “như thổi” này cũng giúp Đức Giang từ một doanh nghiệp vốn hóa dưới 10.000 tỷ đồng cách đây một năm, hiện đã gia nhập nhóm vốn hóa tỷ USD với mức vốn hóa xấp xỉ 1,7 tỷ USD.

Giá cổ phiếu DGC tăng mạnh khiến vốn hóa công ty hóa chất này "lớn nhanh như thổi". Nguồn: Tradingview.

Giá cổ phiếu DGC tăng mạnh khiến vốn hóa công ty hóa chất này "lớn nhanh như thổi". Nguồn: Tradingview.

Kết quả kinh doanh bùng nổ từ đầu năm 2021

Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiền thân là Công ty Hóa chất Đức Giang - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam - được thành lập từ năm 1963.

Đến tháng 3/2004, công ty thực hiện chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang. Cũng từ giai đoạn này, vốn điều lệ của công ty bắt đầu tăng nhanh.

Từ mức 15 tỷ tại thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của Đức Giang đã tăng lên mức 335 tỷ đồng vào cuối năm 2013, tương đương tăng 22 lần sau 10 năm.

Mức vốn này tiếp tục tăng trong các năm sau đó và lần đầu đạt trên 1.000 tỷ vào tháng 9/2018, sau khi công ty phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần sở hữu và sáp nhập Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai vào tập đoàn mẹ.

Trong các năm 2019-2021, Đức Giang có thêm 4 lần tăng vốn nữa, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp đến nay lên trên 1.710 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, vốn điều lệ của nhà sản xuất hóa chất và phân bón này đã tăng tới 114 lần.

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2012-2016, doanh thu bình quân của Hóa chất Đức Giang vào khoảng trên 2.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế dao động khoảng 200-300 tỷ đồng/năm.

Năm 2017, do giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai từ 61,68% xuống 42% nên công ty không được hợp nhất kết quả kinh doanh của Đức Giang Lào Cai vào tập đoàn mẹ, khiến doanh thu và lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh.

Đến năm 2018, Đức Giang đã phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần sở hữu tại Đức Giang Lào Cai và chuyển công ty này từ công ty liên kết sang công ty con, tiếp tục hợp nhất kết quả kinh doanh vào tập đoàn mẹ.

Cũng từ năm này, doanh thu của Hóa chất Đức Giang tăng vọt lên mức 5.000-6.000 tỷ/năm, lợi nhuận cũng tăng vọt lên 800-900 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang thực sự bùng nổ từ đầu năm 2021, khi giá các sản phẩm hóa chất và phân bón của công ty sản xuất tăng mạnh.

Cụ thể, các sản phẩm chủ lực của Đức Giang hiện nay bao gồm photpho vàng, axit photphoric, phân lân… Trong đó, 2/3 sản lượng sản xuất là để phục vụ thị trường nước ngoài.

Từ đầu năm 2021, việc Trung Quốc thiếu hụt năng lượng nội địa và hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá photpho vàng tăng mạnh. Hiện tại, giá nguyên liệu này tại thị trường Việt Nam phổ biến ở mức 7.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức 3.000 USD/tấn giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, nhu cầu photpho trên thế giới tăng còn do đây là nguyên liệu chính để sản xuất chip phục vụ cho thiết bị 5G và sản xuất pin cho xe điện. Chính điều này đã giúp doanh số xuất khẩu của Hóa chất Đức Giang tăng cao.

Nhờ giá thành sản phẩm tăng cao, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hóa chất Đức Giang vẫn thu về 9.550 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong năm 2021 vừa qua, tăng gấp rưỡi so với năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty theo đó cũng tăng 165%, đạt 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch đề ra. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả kinh doanh khả quan kể trên có được còn là nhờ công ty duy trì nhà máy hoạt động hết công suất và đưa mỏ Apatit Khai trường 25 (xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào hoạt động giúp giảm chi phí đầu vào.

Ngoài ra, với đặc thù doanh thu xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, Hóa chất Đức Giang luôn có lượng tiền USD dồi dào trong tài khoản, qua đó giúp công ty không bị chịu rủi ro tỷ giá khi đi vay đồng USD để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.

Năm nay, Hóa chất Đức Giang tiếp tục đặt tham vọng với doanh thu hợp nhất đạt 12.117 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Lợi nhuận kế hoạch của nhà sản xuất hóa chất này cũng là 3.500 tỷ, tăng tương ứng 39%.

Tham vọng với dự án 12.000 tỷ và mảng bất động sản

Trước khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần nhất, đầu năm 2018, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang từng phải thừa nhận mảng kinh doanh hóa chất đã không còn dư địa mở rộng thêm.

Điều này buộc công ty phải tìm kiếm thêm mảng đầu tư mới để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai và mảng kinh doanh mới được Đức Giang lựa chọn chính là bất động sản.

Tham vọng lấn sân mảng bất động sản của Hóa chất Đức Giang được khởi đầu với dự án Khu chung cư Đức Giang tại số 18/44 đường Đức Giang, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội - cũng chính là trụ sở của công ty. Hiện dự án này do công ty con - Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang - quản lý với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Công ty cho biết dự án này đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể triển khai do chưa được cấp chủ trương đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại điều 75 Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, chủ đầu tư dự án nhà ở muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất làm đất ở.

Khu đất trụ sở chính của Đức Giang tại Long Biên, Hà Nội, nơi dự kiến triển khai dự án bất động sản đầu tiên của doanh nghiệp hóa chất này. Ảnh: DGC.

Ngoài tham vọng với lĩnh vực bất động sản, Hóa chất Đức Giang còn đang tập trung đầu tư vào Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn - do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn là chủ đầu tư.Trong khi đó, quỹ đất mà Đức Giang đầu tư dự án chung cư là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và chưa có phần đất ở có quyền sử dụng hợp pháp. Dù tháng 1/2022, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi quy định này, tuy nhiên việc sửa đổi đã bị dời sang chương trình nghị sự của kỳ họp sau.

Dự án này có quy mô 80 ha, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, là dự án tham vọng nhất của công ty hóa chất này để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai.

Theo kế hoạch, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2021-2025 với quy mô 60 ha. Trong đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng các công trình với tổng công suất 390.000 tấn hóa chất/năm.

Ở giai đoạn 2, với quy mô 20 ha, tổng vốn 2.000 tỷ, tiến hành từ năm 2026 đến năm 2027 với công suất dự kiến 250.000 tấn hóa chất/năm. Hóa chất Đức Giang cho biết hiện dự án vẫn chưa được khởi công do đang vướng vấn đề giải phóng dân cư vùng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đầu tư dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Theo công ty, đây chính là cơ sở pháp lý để có thể thực hiện việc di chuyển toàn bộ hộ dân cư ra khỏi vùng ảnh hưởng của dự án, giúp dự án sớm được khởi công.

Quang Thắng
Theo Zingnews.vn

Từ khóa: