Những chiêu thức thoát thân trong trường hợp gặp nguy hiểm đã được thanh niên lực lượng vũ trang truyền đạt cho sinh viên học sinh.
Những chiêu thức thoát thân trong trường hợp gặp nguy hiểm đã được thanh niên lực lượng vũ trang truyền đạt cho sinh viên học sinh.
Khi bị kẻ xấu tấn công ôm chặt từ phía sau, nạn nhân chỉ việc giẫm gót lên bàn chân đối thủ, và dùng khuỷu tay đánh lui vào hạ bộ hoặc đạp lui vào ống quyển đối phương là có thể thoát.
Các bạn trẻ học võ phòng vệ tại Q.6 (TP.HCM) ngày 7.7 - Ảnh: H.M
Quách Cẩm Mai Linh - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn kể: “Lúc đầu nghe nói đi tập huấn võ phòng vệ, mình cứ nghĩ là học mấy bài quyền vất vả như ở võ đường. Nhưng tham gia mới thấy khá đơn giản và dễ tập, nhất là con gái như tụi mình”. Còn Phạm Minh Hoàng - thanh niên tình nguyện ở Q.6, từng học võ nói: “Các động tác này không giống các môn phái mà mình đã biết, nó đơn giản và thiết thực, có thể dành cho các học sinh tự phòng vệ khi bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối”. Trong khi đó, Triệu Mỹ Huyền - học sinh Trường THPT Bình Phú đi học vì một lý do đơn giản: “Học võ ở đâu cũng vậy, nhưng học từ các anh công an là chắc chắn tự bảo vệ được mình”.
Đại úy Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - PC45) cho biết các thế võ phòng vệ là công trình nghiên cứu của võ sư Lê Hồng Hà và các trinh sát hình sự, xây dựng thành bài tập huấn phòng vệ dành cho thanh niên từ cuối năm 2010. Các thế phòng vệ này đúc kết từ các vụ án đã xảy ra. Nạn nhân chỉ cần bình tĩnh là sẽ thoát chết một cách đơn giản.
Đại úy Huy nói: “Chúng tôi không chọn các thế võ tấn công, bởi bằng cách đó sẽ khiến nạn nhân vi phạm pháp luật. Các thế võ chúng tôi hướng dẫn chỉ là cách né tránh khéo léo một cách khoa học và thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc. Chẳng hạn: bất ngờ bị trùm bao bố vào đầu, nạn nhân chỉ việc giơ ngang hai cánh tay để bao bố không trùm được xuống, phần còn lại là giật chiếc bao ra khỏi đầu và thoát thân. Đặc biệt khi áp dụng nhuần nhuyễn các động tác này, đối phương còn gặp nguy hiểm do chính mình tạo ra và nạn nhân không bị rơi vào tình huống phạm pháp.
Những buổi tập huấn như vậy thường diễn ra trong buổi sáng, vào cuối tuần tại một địa điểm do các quận, huyện tự chọn. Đây là điểm nổi bật của chương trình tình nguyện do Thành đoàn TP.HCM dành cho bạn trẻ.
Được biết, hoạt động này nhận được sự ủng hộ của xã hội và các bạn trẻ rất nhiều. Sắp tới, mô hình này cần được nhân rộng hơn và đặc biệt là ở các trường phổ thông, giúp các học sinh có thêm kiến thức và tự bảo vệ mình trước nạn bạo lực học đường, phòng chống những khả năng tấn công của những đối tượng xấu.
Hạ Mi
Theo Thanhnien