Ngày 12/12, tại Khách sạn Intercontinental – 5 Từ Hoa, Tây Hồ (Hà Nội) đã diễn ra buổi “ Hội thảo Hợp tác công tư hỗ trợ phát triển chè bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2019 – 2020”, nhiều kinh nghiệm cũng như giải pháp để phát triển thương hiệu chè Việt Nam đã được đề cập .
Trong khuôn khổ nhóm đối tác công tư ngành Chè (gọi tắt là nhóm PPP Chè) – trực thuộc chương trình đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại chè trong nước và quốc tế, các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành Chè Việt Nam.
Đặc biệt, hai dự án “Cải thiện chất lượng sản phẩm chè nhằm hỗ trợ ngành chè Việt Nam phát triển bền vững” và “Hỗ trợ sản xuất quy mô nhỏ tham gia chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng trong ngành Chè Việt Nam – Pha 2” đã bắt đầu triển khai từ năm 2015, kết thúc vào tháng 10/2018. Dựa trên kết quả của hai dự án này, IDH và VITAS đã tiến hành tham vấn với các đối tác liên quan thuộc khối Nhà nước và tư nhân để xây dựng đề cương chương trình: “Hợp tác công tư hỗ trợ phát triển ngành chè bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2019 – 2020”.
Ngành chè Việt Nam – thách thức và cơ hội
Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè trong 10 năm qua, với tổng sản lượng chè lên tới 185.000 tấn (2017) và diện tích trồng chè là 134.000ha, cung cấp nguồn thu nhập cho 600.000 nông dân và công nhân làm việc tại các Công ty, cơ sở chế biến chè trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, do quản lý dịch hại và sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật chưa tốt, cùng với kỹ thuật canh tác nông nghiệp chưa bền vững, thiếu đi liên kết chuỗi, sự hợp tác giữa khối công và khối tư còn hạn chế, ngành chè Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro cao trong việc không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế về chất lượng và dự lượng thuốc Bảo vệ thực vật (MRL).
Đầu năm 2017, EUROPA đã gửi cảnh báo an toàn thực phẩm tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trong đó bao gồm danh sách các công ty sản xuất chè có sản phẩm vượt ngưỡng quy định MRL của Châu Âu. Việc này là hồi chuông cảnh báo ngành chè Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để cải thiện hình ảnh của mình.
Cụ thể, một trong những vấn đề đầu tiên chính là việc sử dụng thuốc BVTV chưa tốt dẫn đến việc sản phẩm chè Việt Nam bị vượt ngưỡng MRL quy định tại thị trường xuất khẩu. Để phần nào cải thiện tình hình, dự án “ Chất lượng và Bền vững của Ngành chè Việt Nam” đã được thực hiện bởi Hiệp hội Chè Việt Nam, tài trợ bởi tổ chức IDH, từ năm 2015 đến năm 2018 đã đưa mô hình tổ đội Bảo vệ Thực vật tới 13 Công ty trên 8 tỉnh trồng chè trong cả nước, giúp các doanh nghiệp quản lý việc sử dụng thuốc BVTV tốt hơn và sản xuất sản phẩm chè đáp ứng được quy định về dư lượng MRL tại các quốc gia nhập khẩu, tuy nhiên những mô hình như thế này vẫn chưa được nhân rộng.
Chính vì thế, để cho mô hình có hiệu quả trên toàn ngành, một chiến dịch nhân rộng mô hình tổ đội BVTV là vô cùng cần thiết, cũng như cần phải xem xét và đánh giá lại các sản phẩm BVTV đang được lưu hành trên thị trường về chất lượng cũng như danh sách các hoạt chất BVTV mà Bộ Nông nghiệp ban hành
Mặt khác, sản xuất chè ở Việt Nam bị chi phối bởi quyền sở hữu đất đai rải rác và nông dân quy mô nhỏ với kiến thức và công nghệ không đủ để canh tác bền vững, dẫn đến những vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất chè hay các doanh nghiệp chế biến chè không có khu vực nguyên liệu của riêng mình lại phụ thuộc vào chất lượng chè của những hộ nông dân nhỏ lẻ này và những doanh nghiệp ( tuy sở hữu khu vực nguyên liệu của riêng mình) vẫn sẽ bị ảnh hưởng về uy tín nếu các hộ nông dân nhỏ lẻ sản xuất thiếu trách nhiệm và không an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, ngành chè Việt Nam chỉ có thể phát triển theo hướng bền vững nếu các hộ nông dân nhỏ lẻ được tập huấn và trang bị đầy đủ những kiến thức canh tác nông nghiệp đúng cách và có trách nhiệm. Từ mục đích đó, NAEC (Trung tâm khuyến công), NOMAFSI (Viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) và IDH trong dự án “ Lồng ghép các nhà sản xuất nhỏ vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng ở Việt Nam” đã phối hợp soạn thảo và phát triển Chương trình giảng dạy bền vững quốc gia (NSC) cho chè và đã được Bộ NN&PTNT công nhận làm tài liệu chính thức để giảng dạy về sản xuất bền vững trong ngành chè Việt Nam. Lớp đào tạo thí điểm được tổ chức tại Phú Thọ và Tuyên Quang đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của nông dân.
Một yếu tố cản trở sự phát triển của ngành chè ở Việt Nam là cuộc đấu tranh để đáp ứng nhu cầu cụ thể của người mua đối với các sản phẩm chè. Ngành chè Việt Nam tập trung vào cả chè đen và chè xanh để xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, EU,... Nhưng đáng chú ý là thị trường chè quốc tế đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều với những thay đổi trong xu hướng tiêu thụ chè toàn cầu, đặc biệt là đối với các sản phẩm được chứng nhận và đối thủ cạnh tranh của chúng ta thay đổi đang bắt kịp với sản lượng ngày một tăng cao.
Cho đến nay, có rất ít những cuộc đối thoại trực tiếp giữa bên mua tại Châu Âu và nhà sản xuất tại Việt Nam để xác định được khoảng cách giữa cung và cầu. Cho nên để duy trì vị trí top quốc gia cung chè lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam rất cần một chiến lược phù hợp bao gồm các loại chè cần tập trung phát triển, số lượng và những phương thức canh tác hoặc những tiêu chuẩn cụ thể dành cho từng thị trường khác nhau.
Để ngành chè phát triển bền vững cần tới sự chung tay của rất nhiều bên khác nhau từ hai phía công, tư và các tổ chức phi chính phủ. Nhận ra điều đó, vào năm 2014, nhóm hợp tác công tư cho ngành chè (Nhóm PPP Chè) bào gồm Unilver, IDH, VITAS và các bên liên quan đã được thành lập nhưng vẫn chưa được vận hành một cách hiệu quả vừa chưa có kế hoạch hàng năm cụ thể hệ thống báo cáo chuẩn mực và thiếu nguồn hỗ trợ. Cùng lúc đó, Nhóm PPP chè đang hoạt động song song với Ủy ban Phát triển bền vững ngành chè được thành lập vào năm 2013, tạo ra nhiều hoạt động chồng chéo và làm lãng phí nguồn lực, là những tổ chức định hướng của ngành chè, hai nhóm này cần phải được thống nhất với một chiến lược phát triển rõ ràng, một phương hướng tiếp cận cụ thể và một nguồn hỗ trợ ổn định.
Hợp tác công tư thúc đẩy sự phát triển bền vững
Từ những thách thức và cơ hội của ngành chè Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đã giúp cho Nhóm PPP Chè thống nhất, hiệp lực thực hiện một chương trình mới mang tên “Chương trình Hợp tác công tư thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam”.
Trong đó, cơ cấu thực hiện dự án có những đối tác trong thực hiện gồm: Cục Bảo vệ thực vật – đại diện cho khối Công; Sở Nông nghiệp của các tỉnh trồng chè trên cả nước; Công ty mua chè quốc tế Unilever, URC, Vanrees etc; Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu chè địa phương; Công ty sản xuất thuốc Bảo vệ thực vật và Croplife; Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS); Những nhà cung ứng dịch vụ; Tổ chức Sáng kiến thương mại và Bền vững IDH.
Với mục tiêu, huy động những chuyên gia và nguồn lực của cả hai khối công và tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề đó với 4 hợp phần chính tại buổi hội thảo này. Cụ thể, củng cố quản lý sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật trong sản xuất chè; hỗ trợ hộ nông dân nhỏ lẻ trong canh tác có trách nhiệm; tăng cường liên kết chuỗi cung cứng để đảm bảo chất lượng chè phù hợp với yêu cầu của thị trường/ người mua quốc tế; củng cố Nhóm Hợp tác công tư ngành chè Việt Nam ( Nhóm PPP Chè).
Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm và giải pháp đã được các đại biểu đưa ra để nhằm thúc đẩy sự phát triển thương hiệu chè, tập trung trong chương trình: “ Hợp tác công tư hỗ trợ phát triển ngành chè bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2019 – 2020”.
Sơn Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng