Sự kiện hot
11 tháng trước

HoREA: Đề xuất, hạ lãi suất, nâng thời hạn vay trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Hiệp hội Bất động sản TP HCM mới gửi văn bản cho rằng, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa mặn mà vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do lãi suất quá sức chịu đựng của họ. Thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, đẩy người vay vào viễn cảnh bấp bênh.

Picture 1
Ảnh minh họa

Gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5- 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho nhà ở xã hội.

Theo đó, HoREA rất hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương đã tập trung nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản; đồng thời hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã công bố “Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng” theo đề xuất của 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mà nguồn vốn này được trích lập “bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng” và phải “phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản vay thuộc Chương trình này theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng do Văn bản 2308/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi” đã dẫn đến sự ngộ nhận đây là “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội”.

Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 02 tiêu chí sau đây. Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm. Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 05 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Trong khi ngân hàng nhà nước lại quy định Lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua nhà, tuy có thấp hơn một chút so với mức lãi suất 9%/năm mà người mua nhà ở xã hội đang vay hiện nay, nhưng mức lãi suất này vẫn là quá cao và mức lãi xuất xác định định kỳ 06 tháng một lần áp dụng đến ngày 30/06/2023. Còn thời gian ưu đãi lãi vay chỉ 5 năm là quá ngắn.

Người thu nhập thấp chưa mặn mà với gói 120.000 tỷ đồng

Chủ tịch HoREA nhận định, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân “chưa mặn mà” vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lên đến 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị, như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.

Với chủ đầu tư, theo chủ tịch hiệp hội HoREA, mức lãi suất 8,7%/năm lại khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư do hiện nay phải vay với lãi suất rất cao có thể lên đến 12-13%/năm. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giúp chủ đầu tư được vay với lãi suất 8,7%/năm sẽ giúp kéo giảm giá thành, giá bán nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của các dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Do những bất cập, hạn chế trên, ông Lê Hoàng Châu nhận định đã xuất hiện tâm lý của người có thu nhập thấp đô thị “cố chờ” cho đến khi ban hành Luật Nhà ở (mới) để có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội và cố chờ đến khi có nguồn cung nhà ở xã hội mới để vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Từ đó, nguy cơ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị ế  đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng” do Bộ Xây dựng đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 17/02/2023. Nhưng do gói tín dụng 110.000 tỷ đồng thực hiện theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, nên phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận thì mới bố trí được nguồn chi ngân sách nhà nước.

Cho nên, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét đề xuất “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng” theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước. Đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

PV/KTDU

Từ khóa: