Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) được biết đến là xã có truyền thống sản xuất chè lâu đời nhất huyện. Thương hiệu “Chè Ba Trại” với hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt đã giúp nông dân miền núi Ba Trại vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương.
Ba Trại là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía tây của huyện Ba Vì, cách trung tâm huyện 15km. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 2.017ha, dân số là 14.800 người với 3.680 hộ. Xã Ba Trại có 7 dân tộc sinh sống, nhưng chủ yếu là Kinh và Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 30%.
Được biết, từ khi xã đạt chuẩn Nông thôn mới (năm 2017), lãnh đạo và nhân dân trong xã luôn tích cực thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế để xây dựng vùng Nông thôn mới tiêu biểu. “Chè Ba Trại” hiện đang trở thành cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân trong xã. Toàn xã có hơn 560ha trồng chè, 9/9 thôn trong xã được công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè và hướng tới phát triển kết hợp du lịch sinh thái.
Xuất phát điểm từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của người dân cũng như chính quyền xã, đến nay, xã Ba Trại đã thành công trong việc xây dựng mô hình sản xuất chè “sạch”. Cây chè đã giúp nông dân miền núi Ba Trại vươn lên làm giàu, trở thành lĩnh vực kinh tế phát triển mũi nhọn của địa phương.
Từ những nương chè giống cũ, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, nông dân xã Ba Trại đã đưa những giống chè mới, năng suất, chất lượng cao hơn vào sản xuất. Người dân Ba Trại bắt đầu hướng đến sản xuất chè chất lượng tốt, mang lại cho người tiêu dùng nguồn chè sạch, đảm bảo, tạo nên thương hiệu “Chè Ba Trại” sạch - an toàn - chất lượng.
Người dân trồng chè Ba Trại nhận thức rất rõ việc sản xuất chè “sạch” để có những sản phẩm an toàn, không tồn dư hóa chất để khẳng định thương hiệu và chất lượng chè. Một chủ vườn chè ở xã Ba Trại cho biết: Từ khi đưa những giống chè mới vào sản xuất, cùng với kỹ thuật canh tác mới, năng suất, chất lượng chè được nâng cao. Với 1,2ha chè thâm canh theo hướng VietGAP, trung bình mỗi năm, vườn chè của gia đình tôi cho thu hoạch từ 7 đến 8 lứa (vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9). Trồng chè theo phương pháp VietGAP chi phí giảm, nhưng năng suất tăng gấp đôi, búp chè đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.
Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND xã Ba Trại đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất và chế biến chè Ba Trại, đồng thời, triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hóa vào trồng chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ, đã già cỗi.
Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã có vốn đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè… “Giờ muốn cây chè phát triển bền vững phải sản xuất chè sạch, bảo đảm chất lượng. Ngay cả những vùng chè chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP, người dân cũng bảo nhau trồng theo quy trình chè sạch” - một người dân của xã Ba Trại cho hay.
Không chỉ tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, những nương chè Ba Trại đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Mới đây, làng nghề chè Ba Trại tham gia mô hình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhằm tăng thu nhập cho bà con; đồng thời, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Năm qua, xã Ba Trại bắt đầu đón những đoàn khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công. Được tận mắt ngắm những nương chè xanh mát, trải dài, uốn lượn theo triền đồi giữa không gian trong lành, thơ mộng; đặc biệt, tự tay hái chè, sao chè và mang về làm quà khiến nhiều du khách thích thú. Điều đó khiến người dân Ba Trại rất vui và phần nào giúp người dân trong xã phát triển thêm nhiều nghề dịch vụ, đưa thương hiệu “Chè Ba Trại” đi khắp mọi miền Tổ quốc./.
Quang Thành
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng