Cụ Nguyễn Văn Minh, một lão nông sống cạnh núi Bạch Tuyết, thôn Linh Thượng, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội nói úp mở về “kho báu trinh nữ” mà như kể truyện “Liêu trai chí dị” khiến ai cũng phải tò mò.
Cụ Nguyễn Văn Minh, một lão nông sống cạnh núi Bạch Tuyết, thôn Linh Thượng, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội nói úp mở về “kho báu trinh nữ” mà như kể truyện “Liêu trai chí dị” khiến ai cũng phải tò mò.
|
Cây cổ thụ mọc trên phiến đá khổng lồ
|
Truyền thuyết hoang đường hại người tham lam
“Lúc ấy Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xong rồi thì cấp thuyền, ngựa để quân Minh về nước. Tướng giặc không nỡ bỏ đi số vàng bạc khổng lồ mà mình vơ vét được trước đó định đem về nước. Nhưng nhóm tàn quân không dám đem theo đành nghĩ ra cách chôn kho báu và trấn yểm bằng cách chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của. Linh hồn cô gái quỷ mị cứ quanh quất hiện lên ở ngọn núi kiên quyết giữ kho báu này khiến bao nhiêu người tham tâm tìm của là bấy nhiêu người khuynh gia bại sản, gặp chuyện không may”, Cụ Nguyễn Văn Minh nói.
Linh Sơn - đất hiểm, hang núi giấu vàng
Xã Vân Côn, huyện Hoài Đức chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 15km về phía Tây nằm dọc theo đại lộ Thăng Long - đại lộ lớn nhất Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa của địa lý hành chính mới khiến xã Vân Côn và thôn Linh Thượng không còn là ngôi làng thuần nông mà nhà cửa cao tầng mọc lên san sát chẳng khác thành thị là mấy.
|
Núi Bạch Tuyết gắn liền với truyền thuyết “hồn ma trinh nữ” canh kho báu.
|
“Đừng tưởng Vân Côn biến đổi mà văn hóa cũng biến đổi theo. Những phong tục truyền thống của làng còn được giữ nguyên. Chẳng thế mà câu chuyện kho báu trinh nữ vẫn còn được kể lại cho con cháu đời sau nghe mãi” – lão nông Nguyễn Văn Minh nói.
Cụ Minh cũng nói, Vân Côn từ ngàn xưa đã được coi là đất thiêng, địa linh nhân kiệt với nhiều tiến sỹ và danh tướng. Dưới các ngôi đền, ngọn núi, dòng sông ở mảnh đất này chứa không ít ngọc ngà, châu báu. Sự linh thiêng ở Vân Côn hiếm có nơi nào sánh bằng nên người nơi khác nghe thầy phong thủy phán rồi về mua đất để làm nơi táng các cụ tam tứ đại hay cha mẹ khi qua đời là việc bình thường.
Biết chúng tôi đi tìm thực hư câu chuyện “kho báu trinh nữ”, cụ Minh hứa sẽ giúp cung cấp tư liệu và đưa đi tìm những nhân vật chính của câu chuyện. Nhưng cụ bảo: “Báo chí các cậu viết nhiều rồi, có tới 5-7 tờ cố đưa theo ý mình nhưng toàn huyễn hoặc hay hiểu sai vấn đề, đặc biệt chẳng thấy ai đi tận cùng câu chuyện cả. Nếu các cậu viết thì phải “đến nơi, đến chốn” đấy nhé”.
“Mặc cả” xong xuôi thì lão nông mới chậm rãi dẫn chúng tôi đến núi Bạch Tuyết - ngọn núi thiêng trong lòng người dân xã Vân Côn. Từ dưới chân núi nhìn lên, ngọn núi chỉ là một sườn dốc thoải, cây cối lưa thưa chẳng có gì khác lạ, ngoảnh mặt ra bên kia là dòng sông Đáy.
|
Nhiều bạn trẻ cũng tìm đến cụ Nguyễn Văn Minh (ngoài cùng bên phải) người thôn Linh Thượng nghe kể chuyện kho báu với “hồn ma trinh nữ”
|
“Đừng vội đánh giá, cái kỳ lạ là trên đỉnh núi kia!”- như đọc được suy nghĩ của chúng tôi cụ Minh trấn an. Leo lên đỉnh thì tôi chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ: Bốn tảng đá lớn bạc phếch xen lẫn rêu xanh sừng sững chụm đầu vào nhau tạo thành một cái hang lớn. Điều kỳ lạ hơn nữa là trên các tảng đá đều mọc ra những cây cổ thụ bám chặt hàng trăm năm tuổi.
“Tại sao phiến đá tưởng như không sinh vật nào có thể sinh tồn ấy, kỳ lạ thay lại có nhiều thân cây tươi tốt đến như thế? Chúng là loại cây gì, sống bằng chất dinh dưỡng nào trên đá hay đó chính là sự linh thiêng?” - cụ Minh hỏi mà như giải thích.
Bởi theo cụ Minh, đó cũng là câu hỏi của người dân Linh Thượng và cả xã Vân Côn nhiều đời nay. Chỉ có một điều mà cụ Minh và người dân làng Linh Thượng dám chắc chắn khẳng định: Chẳng gì có thể làm cho các cây đó héo được dù có gió bão thì cành này đổ, cành khác níu hoặc lại mọc lên xanh tốt bình thường.
Đi cùng với cụ Minh và chúng tôi lên núi, ông Nguyễn Đình Vượng sống ngay sát chân núi Bạch Tuyết bao năm nay như một “hướng dẫn viên du lịch” không chuyên. Ông Vượng có 2 việc chính là đánh cờ tướng và dẫn khách tham quan núi Bạch Tuyết. “Làng Linh Thượng gọi núi bằng cái tên Bạch Tuyết cũng bởi liên quan đến nơi phát tích và chôn giấu kho báu khổng lồ. Bạch Tuyết là tên gọi của cô gái đồng trinh bị chôn sống dưới hầm kia làm thần giữ của” - ông Vượng châm nén hương ở bệ thờ trên đỉnh bốn tảng đá rồi run run kể.
“Các cụ trong làng từ hàng chục đời trước truyền lại rằng từ thế kỷ thứ 14 có người Tàu qua đây làm ăn.
Thấy thế đất Vân Côn tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông là đất địa linh nên dựng nhà lập nghiệp, buôn bán tạo thành cơ ngơi, trở thành hàng đại phú. Thế rồi người nhà bên nước có việc lớn buộc phải để lại cơ nghiệp và một đống châu báu mà không đành lòng.
Sẵn hiểu việc phong thủy nên chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành kéo dài vào núi Vân Côn để chôn dấu của cải. Chắc ăn hơn, vị đại phú người Tàu tìm cách bắt một thiếu nữ đẹp như thiên tiên giáng trần chôn sống, trấn yểm thể đất để làm thần giữ của. Sau khi người Tàu về nước, nhiều người có lòng tham đến hang núi cố công lấy trộm kho báu. Nào ngờ chỉ có đi mà không có về”.
Lại có truyền thuyết khác như lão nông Nguyễn Văn Minh kể. Người chôn giấu số vàng khổng lồ ở núi thiêng không phải là một lái buôn bình thường mà là một tướng nhà Minh thất trận. “Truyền thuyết có nhiều nhưng các cụ già trong làng hồi tôi còn bé tí (ông Minh đã 82 tuổi- PV) đều khẳng định kho báu là có thật nhưng không ai tìm ra”.
Cuộc săn tìm kho báu trong tuyệt vọng
Trong khi chúng tôi đang cố dò đường vào hang núi Bạch Tuyết thì một hướng khác, theo lời giới thiệu của cụ Minh, một đồng nghiệp của tôi đi tìm gặp một “đại gia” đã mất hàng chục năm dò tìm kho báu nơi đây: ông Nguyễn Tài Hận. Ông Hận cũng là dân “thổ địa” của ngọn linh sơn. Câu chuyện tung tiền, tung người đi tìm kho báu của ông Hận nổi tiếng khắp phủ Hoài Đức bấy lâu nay.
Gợi chuyện tìm kho báu năm xưa, ông Hận dường như vẫn tiếc nuối: “Đó là câu chuyện cách đây 30 năm. Một cuộc tìm kiếm vàng dưới chân ngọn núi do tôi tổ chức diễn ra hết sức quy mô. Nhưng trời không dễ chiều lòng người. Bao nhiêu tiền mà tôi kiếm được từ mồ hôi nước mắt từ những năm tháng ngược xuôi đã tan theo cả giấc mộng vàng.Tôi cũng chẳng muốn nhắc lại chuyện ấy làm gì nữa”.
Theo những người dân xã Vân Côn, “đại gia” Nguyễn Tài Hận vào những năm 1980 là một trong những người giàu có nhất huyện Hoài Đức lúc bấy giờ. Buôn trâu, buôn gỗ lạt, than củi khắp các nẻo đường Nam – Bắc, rồi thêm cả mở lò nung vôi, đốt gạch. “Cái gì ra tiền là ông ấy làm. Cũng chính bởi đầu óc nhanh nhạy nên việc kinh doanh của ông phất như diều gặp gió.
Ông Hận đi đâu cũng được người dân trong làng xã đôi phần kính nể. Ngôi nhà khang trang 5 gian của ông khi xây lên thời ấy là đầu tiên của xã. Ai nhìn thấy cũng phải ước ao. Nhưng tất cả sự giàu có ấy đã tiêu tan khi ông bắt tay vào việc tìm kiếm kho báu dưới chân núi Bạch Tuyết” - ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Phó chủ tịch xã mấy chục năm về trước kể lại.
Gặng hỏi mãi, ông Hận cũng trải lòng câu chuyện tìm kho báu. Nhưng ông Hận đề nghị: “Nếu viết, hãy viết tôi là tấm gương để răn đe việc tìm kho báu của người khác chỉ hao tâm tốn sức mà thôi”.
Vào những năm 1980, cái đói bao trùm cả làng Linh Thượng và xã Vân Côn. Với những lời đồn thổi ở chân núi Bạch Tuyết làm chùn bước rất nhiều người sợ ngọn núi thiêng nhưng nhiều lúc thiếu ăn, một số người vẫn làm liều, khoét đất khoanh chân núi đem bán cho những người làm nền nhà để lấy tiền đong gạo, cầm cự qua ngày.
Nhiều nhà đều làm theo cách đó duy trì cuộc sống. Nào ngờ, khi đào hết lớp đất mỏng ven chân núi thì bỗng hiện ra một luồng đá được lát như một con đường chạy thẳng vào núi.
“Đó là công trình nhân tạo chứ không phải thiên nhiên. Nhiều người dân tò mò muốn xem con đường đó đi tới đâu. Vốn vẫn tin là ngọn núi có kho báu với vô vàn vàng bạc và đồ quý nên nhìn thấy con đường này nhiều người mừng rỡ: Đường đến kho báu đây chăng? Nhưng không ai dám đi tiếp. Họ e ngại vị thần giữ của là cô gái đồng trinh bị chôn sống năm xưa” - ông Hận kể lại
“Mặc dù khác thôn nhưng cùng xã, tôi đi qua thôn Linh Thượng chơi. Mấy người dân nơi đó thấy tôi nên rủ tôi khám phá và tìm kho báu. Sẵn máu phiêu lưu lại biết đâu sẽ tìm được kho báu thật. Tôi gật đầu đồng ý”.
“Đại gia” Nguyễn Tài Hận hết của vì ham tìm kho báu.
Sau khi cân nhắc thiệt hơn, ông Hận đồng ý bỏ tiền cho cuộc tìm kiếm . Hàng chục trai tráng trong làng Linh Thượng và xã Vân Côn gia nhập đoàn tìm vàng. Dốc túi mua các dụng cụ khai quật và kể cả máy xúc loại nhỏ, đội tìm kho báu do ông Hận đứng đầu sẵn sàng đi vào con đường trong núi. Ông Hận và mọi người tham gia cam kết: “Nếu tìm được kho báu thì chia đều cho mọi người. Nếu có cổ vật thì ông Hận sẽ lấy cổ vật thay cho vàng”.
Cứ theo hai hàng đá đã sắp sẵn thành đường, đoàn người tìm vàng hì hục đào bới mang theo giấc mộng đổi đời. Sau hàng chục ngày quần quật, một đường hầm ăn xiên vào núi theo hướng nghiêng dốc được tạo ra. Được chừng 15 -17m, một phiến đá lớn bất ngờ chắn ngang lộ đạo. Hàng chục người lại tập trung đào ra hai bên đến vài mét nhưng phiến đá vẫn chắn ngang trước mặt.. “Hãy đào sâu xuống chân phiến đá!” - ông Hận chỉ đạo.
“Khi đào được chừng hơn mét thì thấy trên phiến đá đó có một lỗ nhỏ bằng chừng bắp chân người. Thuốn sắt, thấy phiến đá không dày, ông Hận hạ lệnh dùng búa mở rộng lỗ thông có sẵn đó. Khi “cửa hang” được mở ra, chui vào trong, đoàn tìm kiếm phát hiện một khoảng trống rộng chừng nửa gian nhà. Khoảng trống đó do ba phiến đá chụp ngọn vào nhau tạo thành. Soi đèn kiếm tìm, chúng tôi thấy ở phiến đá đối diện cửa hang có hình con rùa đang chũi đầu xuống đất” – ông Đinh Văn Dũng, người tham gia đoàn tìm vàng năm xưa nhớ lại
Đầu tiên, ông Hận cũng tưởng hình con rùa đó là do tự nhiên vô tình tạo nên nhưng khi cạo lớp đất dính trên phiến đá ấy ra thì hoàn toàn không phải. Những họa tiết, hình khối trên phiến đá đó rất rõ ràng, sắc nét. Ngoài hình con rùa trên thì trong khoang trống đó mọi người không thu được bất cứ vật gì.
Ba phiến đá bủa vây, ông Hận và mọi người đã cố sức mở lối đi sâu vào trong. Không như phiến đá ở ngoài, hai phiến đá khép góc phía trong cứng hơn thép. Đoàn người dùng búa tạ phang vào tìm lối chỉ thấy tóe lửa mà chẳng hề sứt mẻ.
Trong lúc cả nhóm đang loay hoay không biết làm gì thì bỗng dưng có những tiếng động lạ phát ra, cả hang động rung chuyển, mọi người sợ quá phải chạy ra ngoài. Rọi đèn vào hang, ông Hận và cánh thợ phát hiện ra tất cả chỉ là những mô đất tơi lẫn sỏi đá. Thế là cuộc tìm kiếm khép lại. Đoàn người đứng dựa lưng vào phiến đá thở dốc trong tuyệt vọng. Mấy ngày sau UBND xã Vân Côn tiếp tục cho người tìm hiểu phía trong hang nhưng không phát hiện ra vàng bạc hay thứ đồ cổ nào.
“Hồn ma trinh nữ" trị máu người tham
Cũng từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ”, “thần giữ của” mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Không tính bao nhiêu tiền đầu tư cho cuộc tìm vàng thất bại, ông liên tục buôn bán thua lỗ, đã mấy lần trong nhà không còn đến “một bơ gạo xấu”.
Thời vàng son của đại gia Nguyễn Tài Hận chỉ còn là quá khứ. “Trụ mãi gia cảnh giờ cũng chỉ còn trung bình. Nghĩ lại thấy mình dại và ân hận quá”, ông Hận cười buồn và chợt nghĩ cái tên của mình: Tài và Hận!
Nhưng “giấc mộng vàng” ở núi Bạch Tuyết đâu chỉ có ông Hận vướng phải. Hàng chục người khác, cả người làng Linh Thượng và người nơi khác nghe tiếng có kho báu tìm đến nhưng ra về lại trắng tay rồi gặp chuyện xui xẻo, không may. “Có người phá sản, người nghèo đói túng quẫn, người bệnh tật, người chết trẻ hoặc con cái lục đục, gia đạo tan nát” – cụ Minh dẫn chúng tôi đi sâu vào trong hang núi Bạch Tuyết rồi chậm rãi kết luận. “Người tín tâm cho rằng đó là hồn ma trinh nữ đã hiển linh trị máu những người tham lam”.
Cũng chính vì linh thiêng gắn liền với những là đồn thổi xuất hiện hồn ma trinh nữ nên núi Bạch Tuyết còn có tên khác là núi “cô tiên hay là “núi thần của”. Người dân dưới chân núi cũng kể lại một điều kỳ lạ rằng, nhiều hôm cứ đến 4h chiều, ở núi Bạch Tuyết lại bốc ra mùi như nước mắm nồng nặc. Bởi thế, người dân ai cũng sợ, không dám xâm phạm khiến ngọn núi lại được bao bọc thêm một lớp màn huyền bí.
Để rõ thực hư hơn, chúng tôi tìm gặp bà Đỗ Thị Cấm, người đã hơn 20 năm trông hương khói tại núi Bạch Tuyết. Theo lời bà Cấm cho biết: “Trên đỉnh núi, người dân thờ bà chúa Hẹ và quan Thượng Lềnh là người có thật chứ không phải thờ “hồn ma trinh nữ trông coi kho báu như người ta nói. Chuyện có kho báu phía dưới hay không thì không ai dám chắc chắn. Nhưng có thật hay không thì theo tôi không có cơ sở để nói dưới 4 tảng đá kia có kho báu.”
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Vân Côn - ông Nguyễn Văn Sơn, chính sự linh thiêng của ngọn núi nên khách thập phương ngày rằm, lễ Tết tìm về đây cúng bái rất nhiều. “Tất cả những truyền thuyết và lời đổi thổi về lời nguyền ma ám đều không có căn cứ. Ngay nhiều người bảo mơ thấy tiên nữ , hay hồn ma trinh nữ cũng chỉ là hoang đường. Còn việc có vàng, kho báu hay cổ vật ở núi Bạch Tuyết hay không thì các nhà khảo cổ cần vào cuộc một cách nghiêm túc để có thông tin chính xác tránh việc người dân trong xã và nơi khác đến tìm vàng làm mất trật tự an ninh”.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Văn Kính:
Việt Nam là nước nông nghiệp từ lâu đời, nên việc sở hữu đất đai cũng như ước mơ có trong tay nhiều kim loại quý hiếm là vàng gần như là một thứ văn hóa. Người ta muốn có vàng để làm đồ trang sức, của để dành, lại là tài sản đảm bảo cho sự giàu có, thịnh vượng. Rồi những cuộc tao loạn, chiến tranh khiến người ta ly tán thì vàng được chôn cất lại, người chết cũng được táng theo một số vàng để làm may cho con cháu sau này. Những truyền thuyết về kho báu vàng cũng từ đó mà sinh ra nhưng chỉ một số kho báu là có thật còn đâu chỉ là đồn thổi.
Chuyện trấn yểm kho báu bằng việc chôn sống người hay cụ thể là trinh nữ cũng không thể xác định thực hư. Theo quan điểm dân gian, người Trung Quốc hay áp dụng cách này để duy trì sở hữu kho báu cho dòng họ hay gia tộc đời sau. Tuy nhiên, điều này không có cơ sở khoa học kể cả về quan điểm dân gian. Nhất là người Trung Quốc bắt thiếu nữ Việt để làm thần giữ của cho mình thì cũng phi lý.
Về vấn đề kho báu chôn dưới đất như những truyền thuyết của Việt Nam sẵn có, tôi cho rằng đó là cách khuyên răn người Việt như truyện ngụ ngôn “Lão nông và các con” của La Fontaine đại ý khuyên các con cày sâu cuốc bẫm, chăm chỉ làm lụng gắn liền với đất đai. Đó chính là kho báu bền vững bằng chính sức lao động của mình.
PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Đại học KHXH&NV:
Cũng giống như “hầm thần của” ở Hà Nam, đây là một truyền thuyết có liên quan đến vàng. Thực chất, ở những khu vực này là nơi lưu trữ của cải hoặc vật dụng của người thời xưa. Nhưng người dân thường hay gắn vào đó những chuyện ly kỳ kiểu thuật yểm bùa của người Trung Quốc.
Theo An Ninh Thủ Đô