Ngày 23/11, tại TP. Huế diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch ẩm thực - Nông nghiệp và xây dựng thương hiệu văn hóa chè Việt Nam” và Khai mạc cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới 2018 lần đầu tiên tại Việt Nam với 15 quốc gia tham dự.
Lễ cắt băng khai mạc cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới lần thứ IV- 2018.
Đến tham dự có ông: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Sở Du lịch và các Tổng công ty, Doanh nghiệp về chè trong cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam cho biết, "Chè được xem là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu và có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam. Hiện nay, diện tích chè cả nước đạt khoảng 125 nghìn ha, năng suất đạt 8,5 tấn/ha và sản lượng đạt 935 nghìn tấn. Năng suất trong giai đoạn này tăng mạnh nên sản lượng chè có xu hướng tăng cao cùng với việc áp dụng trồng các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đã được điều chỉnh phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng trên thế giới với sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Ngành chè của Việt Nam đang có xu hướng tăng tỷ lệ chế biến chè xanh, chè Ô long và giảm chế biến chè đen trong tổng cơ cấu sản phẩm chè của Việt Nam. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến chè đã được nâng cao khi hầu hết các tỉnh trong cả nước thực hiện công tác kiểm tra đánh giá phân loại cơ sở chế biến chè trong thời gian qua".
Thí sinh thể hiện tài năng trước Ban giám khảo cuộc thi.
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, năm 2018, cả nước sản xuất 210 ngàn tấn chè khô với cơ cấu sản phẩm: 50% chè đen, 50% chè xanh và các loại khác. Trong đó, xuất khẩu 145 nghìn tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 245 triệu USD. Giá trị xuất khẩu chè hàng năm vẫn tăng nhẹ và giữ ổn định. Ngành Chè Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7 về sản xuất và xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới, nhưng đa phần chè xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính, chưa nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao và giá cao như EU, Mỹ.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm về trà tại địa phương (Huế).
Bộ ấm chén phục vụ cho TMCI 2018 (nhà tài trợ Công ty TNHH Gốm sứ Bát Tràng Hoàng Long)
Cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới 2018 – Phong vị tương lai (Tea Masters Cup International 2018 – Brew The Future) bắt đầu chiều 23 - 25/11, tại Khách sạn Thành Nội (TP. Huế) nhằm trao đổi kinh nghiệm chế biến, sản xuất, pha chế chè của chuyên gia quốc tế và Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu các loại chè đặc sản của Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đến toàn thể các doanh nghiệp tiêu thụ chè trên thế giới.
Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch ẩm thực - Nông nghiệp và xây dựng thương hiệu văn hóa chè Việt Nam”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhận xét: “Chè Huế chưa có nhiều danh tiếng như một số nơi khác nhưng chè xanh vùng Truồi (Phú Lộc), Tuần (Thủy Bằng – Hương Thủy) hay trà rau má Quảng Thọ (Quảng Điền), trà vả Lộc Mai, trà sen Huế, ngự trà… đã và đang dần khẳng định vị trí của mình với người tiêu dùng. Thông qua Hội thảo cũng như Cuộc thi, sẽ góp phần quảng bá ẩm thực, du lịch Huế và nhất là làm nổi bật các giá trị của Huế thông qua việc kết hợp văn hóa pha chế trà, uống trà với văn hóa truyền thống, di sản Huế”.
Năm nay, cuộc thi với 4 nội dung chính: Pha trà (kỹ năng pha chế, trình bày 2 loại trà); trà và đồ ăn kèm (kỹ năng kết hợp đồ uống trà và một loại đồ ăn nhẹ đi kèm); Tea Mixology (trà kết hợp với đồ uống khác) và thử nếm trà (phân biệt các loại trà mẫu trong set trà đã cho sẵn từ trước), cuộc thi nhằm tôn vinh những nghệ nhân có tâm huyết, có lòng đam mê và sáng tạo nghệ thật trong pha chế, bày trí tiệc trà.
Quốc Dũng
Theo Đời sống & Tiêu dùng