Ngôi mộ gần 300 năm tuổi được khai quật khi người dân đào móng làm nhà ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội). Người con gái ở tuổi 20 được khâm liệm với một màu trắng toát mơ màng như người đang ngủ.
Ngôi mộ gần 300 năm tuổi được khai quật khi người dân đào móng làm nhà ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội). Người con gái ở tuổi 20 được khâm liệm với một màu trắng toát mơ màng như người đang ngủ.
Sau này, hậu thế có người bảo nàng tên là Lê Thị Mai Hoa, hiệu là Thái Thành công chúa. Những ngày rằm, mồng một, người dân Ninh Hiệp và khách thập phương đến viếng mộ Mai Hoa công chúa (Lăng Cô) rất đông. Nhưng sự thật, công chúa ấy là ai trong dòng tộc họ Lê là điều mà chúng tôi rất muốn tìm hiểu.
|
Khu mộ “Công chúa Mai Hoa” được người dân thờ cúng
|
Phát hiện tình cờ
Chúng tôi về Ninh Hiệp, hỏi lăng mộ công chúa Mai Hoa, ai cũng hồ hởi kể chuyện. Chị Nguyễn Thị Thủy dẫn chúng tôi đến khu lăng mộ rồi thành kính kể bao câu chuyện về nàng. “Người Ninh Hiệp và rất đông người dân ở các vùng khác coi đó là khu mộ thiêng. Họ đến thắp hương để chiêm bái, khấn nguyện những mong muốn thầm kín, sâu xa”.
Người đàn bà, buôn bán ở chợ Ninh Hiệp có dáng người như “con gấu”, mái tóc cắt ngắn, ngồi trên xe SH chạy phăm phăm trên đường nhưng khi nói chuyện về công chúa Mai Hoa lại từ tốn đến lạ.
Chị Thuỷ kể: “Năm 2006, nhà chị Nguyễn Thị Hoa đào gốc khế để chuẩn bị xây nhà và bất ngờ phát hiện ngôi mộ cổ. Ngày ấy, nhiều người đến xem lắm, tôi cũng đến. Áo quan được gắn chặt, khi mở ra, tất cả mọi người đều hoảng hốt vì người con gái trong đó vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thấy, có người còn chụp ảnh khi quan tài được mở ra. Nhưng lạ lắm, chỉ có vài người thành tâm chụp được hình còn tất cả chỉ ghi lại hình ảnh là một vệt sáng trắng”.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hoa, nơi phát hiện mộ Mai Hoa đến nay đã thành ngôi nhà ba tầng khang trang. Chị Hoa kể lại câu chuyện rất kỳ lạ mà không ai có thể lý giải được. Khu đất nhà chị ở thuộc về đất 5% (đất rau xanh chia vĩnh viễn). Do sự phát triển của dân cư, đất này được chuyển đổi sử dụng thành đất thổ cư. Làm một cái nhà nhỏ ở bên trong, gia đình chị Hoa sinh sống ở đây nhiều năm. Trước nhà, nơi cổng ra vào có một cây khế, quanh năm xanh tốt, quả chín mọng rất ngọt.
Theo chị Hoa, cây khế tươi tốt, cành phủ tận xuống tận mặt đất, người hái quả chỉ đứng dưới đất hái. Mãi sau này, khi có ý định làm nhà, vợ chồng chị Hoa mới quyết định chặt cây khế đi và đào gốc khế để… giải phóng mặt bằng. Quá bất ngờ, khi những người trong nhà chị phát hiện ra một ngôi mộ cổ, có niên đại từ thời Hậu Lê (cách đây 300 năm). Quan tài còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới lớp đất sinh thổ mà cây khế vô tình đã mọc bên trên xoè bóng che rợp mộ phần.
|
Các thiện nam tín nữ thắp hương tại khu mộ "Công chúa Mai Hoa"
|
Ngôi mộ lạ
Chị Thuỷ kể lại, hôm tìm thấy ngôi mộ cổ hàng nghìn người dân Ninh Hiệp đến xem. Một chiếc áo quan bằng gỗ quý được gắn chặt. Sau này, một số nhà khảo cổ nói, áo quan được gắn bằng vôi, mật, than. Có nhiều người tưởng tượng ra sẽ có nhiều vàng bạc, châu báu được chôn trong quan tài cùng người quá cố. Nhưng khi quan tài được người nhà chị Hoa mở ra thì đó là một người con gái chừng 20 tuổi, được khâm liệm bằng vải trắng rất cẩn thận. Những mảnh vải trắng được tết nơ rất cầu kỳ. Nàng như đang nằm ngủ. Mọi thứ xung quanh nàng vẫn còn nguyên vẹn. Đồ tuỳ táng theo nàng chỉ là túi trầu thuốc.
Ông Lý Duy Khương, chủ tịch xã Ninh Hiệp vẫn còn nhớ như in cái đêm chạng vạng sáng đó. Ông Khương bảo, người dân đến xem ngôi mộ rất đông, có người tiến sát lại để nhìn cho thật rõ. Gia đình thấy có ngôi mộ, có người con gái trẻ nằm đó, thương xót định “sang tiểu sành, tắm rửa” cho nàng. Nhưng vì nàng được chôn theo mộ tam chất, thuộc mộ xác ướp mà gia đình không hay nên thi thể không hoá. Cuối cùng, gia đình chỉ chuyển thi thể nàng, sang một áo quan mới và đưa nàng ra yên nghỉ nơi nghĩa trang.
Theo những nhà khảo cổ, như TS. Nguyễn Lân Cường, GS. Đỗ Văn Ninh thì những ngôi mộ xác ướp thường được chôn bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ quý mà chỉ giới quý tộc (quan lại, vua chúa) xưa kia mới sử dụng để chôn cất người chết.
Ông Lý Duy Khương cũng cho biết thêm: Sau ngày đổi mộ cho công chúa thì bà Hoa cũng ốm một thời gian dài. Người dân cũng khẳng định, bà Hoa sinh năm 1970, khi ấy mới 34 tuổi, thấy người đủ thứ bệnh từ đâu kéo đến, chẳng rõ nguyên nhân. Sau này, gia đình bà Hoa đã xây dựng khu mộ của công chúa thành Lăng Cô, có mái che, khang trang như ngày nay, nơi đầu vào nghĩa trang của thôn.
Chưa thể xác định danh tính người nằm trong mộ
Nhiều người cho biết, ngày khai quật ngôi mộ cổ, chính quyền xã có báo cho Viện Khảo cổ học. Tuy nhiên, bằng chứng tích khoa học, các nhà khảo cổ không tìm được những vật gì liên quan để xác định thân thế của người nằm trong mộ. Lý giải thắc mắc của chúng tôi, ông Khương cho biết: Gia đình bà Hoa, bà Lộc sau khi tìm thấy ngôi mộ cổ đã nhờ ông Liên quê ở Hải Dương, một trong những nhà ngoại cảm đến tìm hiểu. Người này cho biết tên của cô gái là Lê Thị Mai Hoa. Vậy là người dân cứ tin đó là một công chúa của triều Hậu Lê. Họ thờ cúng một cách trang trọng mà chẳng cần có sự công nhận nào cả.
Ông Khương còn cho biết thêm, mộ Mai Hoa công chúa (người dân quen gọi) vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào thẩm định. Đến bây giờ, ông vẫn tiếc, giá như khi ấy người dân chờ các nhà khảo cổ học đến nghiên cứu mới mở quan tài thì có lẽ thân thế của người con gái 20 tuổi được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, về sau này, qua miêu tả của người dân trực tiếp quan sát, nhiều chuyên gia cũng nhận định, ngôi mộ cổ ấy nếu không phải là dòng dõi Hoàng tộc thời Lê thì cũng là tiểu thư con quan lại. Và, theo ông Khương, việc thờ cúng nơi Lăng Cô cũng xuất phát từ tín ngưỡng của người dân và gia đình…
|
Theo Người Đưa Tin