Không chỉ sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng, chè Shan tuyết Hà Giang còn hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, sạch, được ví như “vàng xanh”, “báu vật” của đất trời cực Bắc. Hiện, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước, trong đó có trên 7.000 ha là diện tích chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 2 quần thể chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam với trên 1.600 cây. Chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu
“Vàng xanh” của đất trời cực Bắc
Hà Giang hiện có gần 20.300ha chè các loại. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết hơn 18.600ha chiếm trên 90% diện tích; chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là 7.000 ha. Cây chè Shan tuyết được phân bố ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần có diện tích lớn nhất.
Gắn liền với việc khai thác, nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu, Hà Giang cũng chú trọng bảo tồn cây chè di sản. Tỉnh Hà Giang có vùng chè 1.629 cây đã được công nhận là Cây Di sản, trong đó riêng năm 2022 có 1.324 cây được công nhận. Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.
Tại huyện Hoàng Su Phì, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây hiện đang sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Đến nay, toàn huyện có trên 1.200 cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè di sản, chè cổ thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng chè.
Qua số liệu điều tra, khảo sát, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tuổi, đường kính thân cây từ 30cm trở lên. Trong đó có 1.248 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, giá trị của vùng chè Shan tuyết Hà Giang là không thể phủ nhận, hiện nay sản lượng chè của tỉnh rất lớn (chè Shan cổ thụ) có chất lượng tốt. Năng suất thu hái trên mỗi cây khá cao (nhiều cây cho thu hoạch tới hàng chục kg chè búp tươi). Ước tính năm 2022, giá trị sản xuất ngành chè đem lại đạt trên 650 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm khoảng từ 9-10% giá trị của ngành trồng trọt. Chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được xem là "vàng xanh" của núi rừng cực Bắc. Và nay, tỉnh Hà Giang có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương. Ấn tượng trong đó, 2 sản phẩm chè xanh và hồng trà nhãn hiệu bà cụ của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang
Chúng tôi đến thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) vào một ngày cận Tết, trong cái rét buốt của gió núi và những cơn mưa rừng mịt mù ở vùng chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Bạn Lý Tá cùng gia đình (hộ gia đình đang kinh doanh và hướng tới phát triển thương hiệu Trà Lý Gia Farm) nhanh tay pha trà đón khách. Nhấp chén trà với màu sắc đặc trưng “vàng sánh mật ong” được chế biến từ những búp lá tươi non trên cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hương thơm đậm đà và vị nồng chát xen lẫn ngọt hậu cứ luyến lưu mọi người…
Được biết, xã Thông Nguyên có 13 thôn, bản, nhưng cây chè chỉ tập trung ở một số thôn có khí hậu mát mẻ, với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, như các thôn: Phìn Hồ, Giàng Thượng, Nậm Hồng, Làng Giang… Chè Shan tuyết Thông Nguyên cây cao, tán rộng, búp to đều, đặc biệt chè rất sạch, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong quá trình chăm sóc, thu hái, sao chế và bảo quản. Mỗi ấm chè có thể pha đến vài lần nước mà vẫn giữ được màu xanh, vàng sánh đặc trưng và vị đậm đà, đượm hương núi rừng.
Lý Tá cho biết: “Trước đây, người Dao ở bản này chưa biết quý trọng cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió. Hồi đó, bán cũng được ít lắm, chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống thôi. Nhưng bây giờ thì khác rồi, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết. Với đồng bào Dao ở đây thì cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân…”.
Luôn hiện hữu và gắn bó với đời sống của đồng bào Dao, Tày ở Thông Nguyên, những năm qua, chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, là thế hệ trẻ đi sau, nhưng Lý Tá đã chọn “rời phố về quê”, cùng gia đình và bà con trong bản cùng nhau gây dựng thương hiệu, phát triển chè đặc sản Shan tuyết trứ danh nơi rẻo cao này.
Ngay từ khi còn nhiều bỡ ngỡ, Lý Tá đã biết rằng mình muốn đóng góp cho quê hương bằng cách phát triển một thương hiệu chè từ chính sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ tại quê hương mình. Với mục tiêu tạo ra một sản phẩm chè chất lượng cao và mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, Tá đã tìm hiểu sâu về chè và các loại cây chè đặc trưng trên quê hương của mình. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Tá đã hợp tác với các nông dân địa phương và chuyên gia chè để theo dõi quy trình chăm sóc và chế biến chè. Bằng cách kết hợp kiến thức truyền thống và công nghệ hiện đại, Tá cùng gia đình đã tạo ra những loại chè Shan Tuyết thơm ngon và độc đáo.
Không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, Lý Tá còn đặt sự chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu. Tá đã thiết kế một hình ảnh độc đáo và hấp dẫn cho thương hiệu chè Shan Tuyết, từ logo đến bao bì sản phẩm. Mỗi chi tiết đều được chăm chút tỉ mỉ để tạo ra một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
Với tầm nhìn xa, Tá đã xây dựng một chiến lược tiếp thị toàn diện. Tá sử dụng mạng xã hội, trang web và các công cụ tiếp thị khác để quảng bá thương hiệu và tạo sự nhận diện. Đồng thời, Tá cũng tìm kiếm các đối tác phân phối và cửa hàng bán lẻ để đưa sản phẩm đến gần khách hàng.
Với lòng đam mê và sự sáng tạo không ngừng, chàng trai luôn tìm cách cải tiến và phát triển thương hiệu chè Shan Tuyết. Tá tin rằng sự đóng góp của mình sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho quê hương mình mà còn giúp thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch địa phương. Tá cũng có biết, thời gian tới sẽ cùng gia đình phát triển thương hiệu “Lý Gia Farm” để cùng với các sản phẩm, các thương hiệu chè vốn có tại địa phương để cung cấp đa dạng sản phẩm ra thị trường.
Ngoài những người trẻ như Tá về quê để phát triển sự nghiệp, đóng góp và xây dựng quê hương, phát triển cho thương hiệu chè Shan tuyết thì ở Hoàng Su Phì cũng có những cá nhân, hợp tác xã, những doanh nghiệp đi đầu có thể kể đến như Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, được thành lập từ năm 2008 do các gia đình người Dao ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì thành lập. Ngay từ ban đầu, hợp tác xã khai thác giá trị vùng nguyên liệu chè Shan tuyết bản địa, sản xuất các sản phẩm chè hữu cơ nhằm tạo sự khác biệt, lợi thế so sánh với các sản phẩm chè trong nước.
Do đó, hợp tác xã đã liên kết với các hộ trồng chè, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho người dân, bảo đảm vùng nguyên liệu không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phối hợp các ngành chức năng xây dựng vùng chè Shan tuyết hữu cơ. Hiện nay, hợp tác xã có 140ha chè Shan tuyết được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và 270ha tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Được biết, hiện hợp tác xã có sáu dòng sản phẩm khác nhau mang thương hiệu Fìn Hò Trà. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu mua từ 650 tấn đến 900 tấn chè búp tươi của người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm. Ngoài thị trường Việt Nam, đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Doanh thu của hợp tác xã đạt bình quân 10 tỷ đồng/năm.
Thôn Phìn Hồ có 50 hộ dân chăm sóc gần 70ha chè Shan tuyết cổ thụ. Từ khi Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ thành lập, chè búp tươi của người dân đã có đầu ra ổn định với giá thành cao. Hiện nay, người dân chủ yếu thu hái chè búp tươi để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao như bạch trà, hồng trà với giá bán bình quân từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Mỗi năm, sản lượng chè thu hái của thôn được hơn 40 tấn, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân. Từ một thôn vùng cao nghèo khó, đời sống của người dân thôn Phìn Hồ nay đã thay đổi nhờ nghề làm chè, cả thôn không còn hộ đói nghèo, một số hộ chịu khó đã có của ăn của để.
Chính quyền địa phương cũng xác định, chè là cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế và tập trung tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, thu hái, sao chế, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật; tuyệt đối nói không với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ để giữ gìn thương hiệu chè Shan tuyết đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Được biết, để phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ, tỉnh Hà Giang sớm triển khai các chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng chè Hà Giang; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến cho các cơ sở sản xuất. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ. Trọng tâm là xây dựng hồ sơ để cấp giấy chứng nhận chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 12.000ha; xây dựng và được công nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17.000ha; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các cơ sở chè, đã có 14 cơ sở được cấp chứng nhận HACCP, ISO.
Từ các chính sách phát triển chuỗi giá trị chè hữu cơ, định hướng phân vùng nguyên liệu cho nên tại các vùng chè Shan tuyết của tỉnh đều đã hình thành được mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người dân từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái cho đến chế biến. Hiện đã có hơn 60 cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hợp tác xã được phân vùng nguyên liệu và hình thành mối liên kết với gần 10 nghìn hộ trồng chè riêng lẻ để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè hữu cơ.
Chúng tôi rời thôn Phìn Hồ khi những cơn mưa rừng trở nên nặng hạt, sương mù giăng kín đỉnh núi, vờn trên những thân cây chè cổ thụ mà hương vị nồng nàn, ngọt đắng đan xen của chén chè Shan tuyết vẫn hòa quyện trong mỗi người. “Ai ơi dẫu đến một lần, sẽ gặp hương chè níu chân” - quả thực hương vị núi rừng của chè Shan tuyết Thông Nguyên có sức hấp dẫn lạ thường với những ai đã một lần đặt chân đến nơi đây và “dạm ngõ” với tách chè Shan tuyết!
Thanh Tú/KTDU