Bộ Tài chính vừa ban hành Quy chế Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phóng viên Báo NTNN trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế xung quanh quy chế này.
Bộ Tài chính vừa ban hành Quy chế Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phóng viên Báo NTNN trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế xung quanh quy chế này.
Điểm mới đáng chú ý trong Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước là có quy định chế độ giám sát đặc biệt (trước đây chưa có).
Nội dung này quy định các trường hợp phải giám sát đặc biệt; trách nhiệm của hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm sát trong trường hợp giám sát đặc biệt; các quy trình giám sát đặc biệt, xử lý với DN thuộc diện này…
|
Công nhân làm việc tại mỏ dầu Bạch Hổ thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
|
DN thuộc diện giám sát đặc biệt mà 2 năm liền kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt không còn lỗ, thực hiện báo cáo đầy đủ, được đưa ra khỏi danh sách giám sát. Nếu 2 năm liền còn thua lỗ, thì giải pháp đặc biệt là: Cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, kể cả xem xét hình thức phá sản. Thẩm quyền ban hành các quyết định giám sát hay kết thúc giám sát là do chủ sở hữu.
Đảm bảo dòng tiền hoạt động
Việc giám sát đặc biệt có liên quan gì đến “sự kiện Vinalines” vừa rồi và trước đó là Vinashin?
- Tôi nghĩ không nên “chụp mũ” Vinalines, Vinashin. Đây là hoạt động rất bình thường của cơ quan quản lý nhà nước. Người ta thấy cần có một thông tư để thực hiện giám sát thì ban hành thôi. Thời điểm nào cần giám sát đặc biệt thì làm. Đừng nghĩ là vì cái này, cái kia...
Thưa ông, trong quy chế có 4 dấu hiệu đặt ra để đưa DNNN vào diện giám sát đặc biệt. Chẳng hạn có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu… Liệu tình trạng này có quá trễ để giám sát?
- Đây là giám sát đặc biệt, chứ không phải giám sát thông thường, tức là giám sát DN trong trường hợp đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt. Quan điểm chung nhất của giám sát đặc biệt là đảm bảo dòng tiền hoạt động, chống lại chi phí không hợp lý trong hoạt động của DN trôi chảy. Nhiều trường hợp, DN vì bị ngăn dòng tiền lại tự nhiên thành phá sản, từ một DN tốt trở thành DN phá sản. Vấn đề là hỗ trợ DN để dòng tiền không bị ngừng trệ, đó là giám sát đặc biệt.
Cần những cái nhìn khách quan hơn
Nói tới nguồn tiền cho DNNN, có đại biểu Quốc hội cho rằng ngoài số vốn khoảng 30- 40 tỷ USD dành cho DNNN, hàng năm Quốc hội vẫn duyệt chi hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn lớn lại không tương quan với lợi nhuận mang lại. Đây có phải là vấn đề cũng cần có cơ chế giám sát?
- Hai chuyện này không có liên quan. Nói về nguồn vốn dành cho DNNN, phải xem hàng năm ngân sách Quốc hội dành cho DNNN là bao nhiêu? Bao nhiêu mà bảo nhiều? Đáng bao nhiêu so với tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản và các vấn đề khác? Còn phân bổ vốn hàng năm là theo luật, thực chất là của người ta trả cho người ta. Còn nếu không muốn trả thì phải sửa luật thôi. Như trường hợp 3.500 tỷ đồng phân bổ cho PetroVietnam, Luật Dầu khí quy định để lại cho người ta thì phải trả cho người ta. Đại biểu nào thắc mắc thì làm phương án sửa luật.
Nhưng đáng nói là ở khía cạnh hiệu quả thấp so với nguồn lực, thưa ông?
- Đọc báo cáo của Bộ Tài chính, hoạt động về vốn của DNNN so với các thành phần kinh tế khác là bao nhiêu %? Tỷ lệ phá sản của DNNN trong năm 2011 chiếm bao nhiêu % so với tỷ lệ phá sản chung? Cả năm 2011, có DNNN nào phá sản không? Hiệu quả thể hiện ở đó. Tại sao mọi người cứ xúm vào nói DNNN là xấu. Lũ lụt, có DN nào, công ty TNHH nào chở muối, gạo lên cho đồng bào không?
Nhưng trong chính báo cáo thẩm tra đề án tái cơ cấu nền kinh tế, cơ quan thẩm tra có đề xuất tách bạch các nhiệm vụ an sinh xã hội của DNNN ra khỏi nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận...
- Tôi là thành viên của Ủy ban Kinh tế, chính Ủy ban đề nghị như thế. Một lý do cũng là để dư luận bớt nói DNNN hoạt động không hiệu quả, để dư luận thấy rõ sự đóng góp của DNNN với xã hội là bao nhiêu %. Cũng là để tạo sự công bằng trong đánh giá doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.
Nhiều đại biểu QH đề xuất, QH cần yêu cầu Chính phủ có báo cáo hiệu quả sử dụng vốn, tình hình DNNN trước khi QH quyết định phân bổ ngân sách trong năm tới?
- Chính phủ có trách nhiệm hàng năm báo cáo cho QH về hoạt động hiệu quả của DNNN. Đề xuất của đại biểu QH như thế, họ có quyền nói, vì một trong 5 quyền của ĐBQH là quyền được cung cấp thông tin. Mình phải tôn trọng quyền của ĐBQH.
Với quan điểm cá nhân, ông thấy “sự kiện Vinalines” vừa rồi có điểm gì đặc thù và điểm gì chung với các DNNN?
- Điểm riêng à? Tôi cho rằng phải đặt bối cảnh đầu tư của Vinalines vào bối cảnh nền kinh tế. Theo báo cáo điều tra, Vinalines 2007-2008 vẫn lãi, 2009-2010 mới lỗ. Tôi cho rằng muốn đánh giá Vinalines phải nhìn xem tình hình kinh tế thế giới giai đoạn này, xem xét tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể... Phải đặt trong bối cảnh ấy mới nhìn ra được. Đây cũng là vấn đề cần phải làm để có cái nhìn khách quan hơn về sự kiện Vinalines.
Vậy điểm chung của các doanh nghiệp nhà nước là việc sử dụng vốn không hiệu quả, thưa ông?
- Câu hỏi không đúng và có tính chất định kiến với DNNN. Tôi cho rằng không nên có định kiến như vậy.
Nhưng thưa ông, trong chính báo cáo của Quốc hội, hiệu quả này được nói tới qua lợi nhuận của DNNN chỉ 13,1%, còn thấp hơn cả lãi suất ngân hàng thương mại. Hơn nữa, 80% lợi nhuận đã thuộc về 4 tập đoàn lớn là dầu khí, cao su, VNPT…?
- Tôi cho rằng mỗi người có một cách nhìn nhận con số khác nhau. Quốc hội không có mâu thuẫn với Chính phủ mà chỉ cùng hướng tới làm cho DNNN tốt hơn.
Xin cảm ơn ông.
Anh Đào
theo Dân Việt