Từ khi làm lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước rồi về hưu, cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn luôn bình dị, gần gũi với người dân quê hương.
Khi nghe tin nguyên nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa qua đời, nhiều người dân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP HCM) tỏ ra vô cùng ngậm ngùi, thương tiếc.
Có lẽ, đối với người dân nơi đây, bác Hai Khải (tên thân mật mà người dân trong xã thường gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải), ngoài hình ảnh là một vị lãnh đạo cao cấp đầy uy nghiêm thì còn là một người bác, người hàng xóm hết sức bình dị, hoà nhã và yêu thương dân.
Người dân đến động viên và chia buồn cùng gia quyến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Văn Dũng
Tại khuôn viên bên trong đình Tân Thông gần tư gia cố Thủ tướng, trước đây, cứ mỗi buổi sáng có nhiều bậc cao niên trong làng và cố Thủ tướng tề tựu về đình để uống trà, trò chuyện.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, những buổi uống trà, trò chuyện thiếu vắng hình bóng của ông Hai Khải.
Kể về cố Thủ tướng, cụ ông Nguyễn Văn Khoẻ (89 tuổi, ngụ ấp Chánh, xã Tân Thông Hội), người bạn từ thủa niên thiếu cùng chăn trâu, cắt cỏ với cố Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: Hồi nhỏ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải thường cùng ông đi chăn trâu, cắt cỏ và bắt cá dưới sông. Do gia cảnh khó khăn nên ông Khải ở cùng ngoại và làm đủ nghề để kiếm cái ăn và đến trường.
Thi hài và di ảnh của cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng. Ảnh: Văn Dũng
Lớn lên, ông Khải giác ngộ và rời làng quê đi theo cách mạng rồi sau này trở thành lãnh đạo cấp cao. Đến khi nghỉ hưu trở về với quê hương, nguyên Thủ tướng sống chan hoà, gần gũi với bà con làng xóm. Ông không quên những năm tháng cơ cực với người dân lam lũ nên khoảng cách giữa người dân xã Tân Thông Hội và một vị nguyên lãnh đạo cấp cao là không có.
Sau khi rời chính trường, nguyên Thủ tướng về quê nhà làm vườn, trồng cây ăn quả. Cứ mỗi độ cây ra trái, ông Hai Khải lại hái mang biếu bà con chòm xóm. Mỗi khi trong làng có người đau ốm hay qua đời, ông đều ghé thăm hỏi. Nhà có tiệc gì, ông Hai Khải cũng mời bà con, chòm xóm đến chơi.
Cụ Khoẻ bật khóc khi kể về cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Văn Dũng
“Ông Hai Khải sống bình dân và yêu thương bà con lắm. Trong làng từ con nít đến người già chúng tôi đều quý mến ông ấy. Từ ngày nghe tin sức khỏe cố Thủ tướng xấu đi, người dân Tân Thông Hội đều lo lắng như chính người thân mình bị bệnh vậy”, cụ Khoẻ tâm sự.
Câu chuyện đang dang dở thì bị ngắt quãng bởi cụ Khoẻ quá xúc động nên đã bật khóc, mặc dù được con cháu khuyên nên về nhà nghỉ ngơi nhưng cụ Khoẻ không chịu mà cứ đòi ở lại để được ngắm cố Thủ tướng qua di ảnh.
Cũng theo những người dân trong làng, trước đây xã Tân Thông Hội chỉ có đường đất đỏ nên mỗi lần mưa xuống là con đường trở nên lầy lội, khó đi lại. Thấy vậy, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã đứng ra bỏ tiền làm con đường nhựa sạch sẽ cho người dân đi lại.
Rất nhiều người dân khắp nơi tìm về nhà riêng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải để được thắp nén nhanh tiễn biệt ông. Ảnh: Văn Dũng
Đình Tân Thông, nơi các cụ cao niên trong làng hay ngồi uống trà buổi sáng cũng do chính ông Hai Khải góp phần ủng hộ tiền xây dựng lại trên nền đất cũ.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng (75 tuổi, ngụ ấp Chánh, xã Tân Thông Hội), người trông coi đình Tân Thông từ sau năm 1975 đến nay cho biết, ngôi đình không chỉ là nơi để người dân thờ cúng tâm linh mà còn là cơ sở cách mạng của người dân trong làng ở thời kỳ kháng chiến.
Nhiều người đã bật khóc vì thương tiếc một vị lãnh đạo gần gũi, yêu thương dân. Ảnh: Văn Dũng
Những năm tháng chiến tranh, dưới sự tàn phá khốc liệt của bom mìn, mái đình Tân Thông bị đổ nát. Sau năm 1975, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã cùng những người dân dựng lại ngôi đình.
Ngoài việc gần gũi, thân thiện với người dân, cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn khuyến khích con em trong làng cố gắng học hành. Gia đình nào hoàn cảnh khó khăn, ông thường động viên con em họ bằng những suất học bổng thắm tình nghĩa của một người con ưu tú vùng đất thép Củ Chi.
Văn Dũng
Theo ĐSPL, Vietnammoi