Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cải tạo chất lượng đàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi nhốt gắn với trồng cỏ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng xóa nghèo bền vững cho người dân.
Theo thống kê của ngành chức năng, huyện Tam Đường hiện có có trên 35.450 con gia súc (đạt 100% so với kế hoạch). Để chăn nuôi đại gia súc chuyển dịch theo hướng hàng hóa, huyện tập trung quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi; chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân về phát triển chăn nuôi bền vững. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, lựa chọn giống đủ tiêu chuẩn lai tạo với giống địa phương.
Từ đầu năm đến nay, huyện Tam Đường chỉ đạo tiêm phòng với tổng số 47.617 liều vắc-xin, đạt 95,1%, cấp 2.150 lít thuốc tiêu độc khử trùng, diện tích bề mặt chuồng trại, môi trường được phun là 4.300.000m2. Nhờ đó, đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt 5%/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết: Với những lợi thế của địa phương, huyện tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, nhóm hộ.
Đồng thời, phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để giúp người dân có thêm kiến thức, kĩ năng trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc định kỳ, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại; vận động người dân trồng cỏ voi để tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc.
Ngoài ra, các xã, thị trấn chỉ đạo các đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống phát triển chăn nuôi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường) là một trong những hộ có kinh tế phát triển từ chăn nuôi đại gia súc. Khu chăn nuôi của gia đình anh được xây dựng kiên cố, nằm tách biệt hẳn với khu dân cư. Đường đi vào khu chăn nuôi cũng được khử trùng bằng nước vôi, theo anh Long đó là việc làm hết sức quan trọng để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gia súc.
Hiện, gia đình anh Long nuôi 20 con trâu, hàng ngày thức ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng; chuồng chăn nuôi sạch sẽ, tạo không gian rộng, thoáng để trâu hoạt động; tiêm phòng định kỳ 6 tháng/lần.
Trong thời điểm mùa đông, để đàn vật nuôi không bị giá rét, gia đình anh Long cũng như bà con nhân dân chủ động dùng bạt chắn gió lạnh, đồng thời dự trữ thức ăn khô. Nhờ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc luôn khỏe mạnh, béo tốt, tỷ lệ tăng đàn ổn định. Nhờ đó, đem lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình anh Long, thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và bền vững, huyện Tam Đường đang tập trung quy hoạch, gắn với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô và thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi. Cũng nhờ đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường có nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Ánh Tuyết
Theo KTĐU