Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Lai Châu: Phát huy nguồn lực, quyết tâm xây dựng nông thôn mới

Lai Châu là là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm hay, sáng tạo đã tạo được nguồn lực phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên, Lai Châu đã từng bước vượt khó xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sau 10 năm triển khai thực hiện, tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban chỉ đạo NTM từ cấp tỉnh đến cấp xã, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn bản. Các cấp, các ngành đã phát động phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân trong tỉnh. Do đó, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đến nay, có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,98%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới từng bước được hoàn thiện; đường trục thôn bản được cứng hóa 64% (tăng 58,36%); thủy lợi đã đảm bảo tưới tiêu cho 96% diện tích gieo trồng (tăng 11%), có 91/96 xã đạt tiêu chí thủy lợi (tăng 58 xã); 96/96 xã được sử dụng điện lưới quốc gia, có 58/96 xã đạt tiêu chí điện (tăng 43 xã); 38/96 xã đạt tiêu chí về trường học (tăng 38 xã); 44/96 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (tăng 44 xã); 96/96 xã đạt tiêu chí chợ (tăng 90 xã); 85/96 xã đạt tiêu chí thông tin truyền thông (tăng 65 xã); toàn tỉnh cơ bản đã xóa nhà tạm, có 46/96 xã đạt tiêu chí về nhà ở (tăng 44 xã).

Bản Lao Chải 1 xã Khun Há (Tam Đường, Lai Châu).

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp được chú trọng phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đến nay đã phát triển một số vùng như: Vùng lúa đặc sản gần 3.000ha, vùng chè trên 7.000ha, vùng cao su trên 13.000ha, vùng mắc ca gần 4.000ha, vùng cây ăn quả trên 4.000ha, vùng cây quế trên 6.300ha, vùng cây sơn trà gần 1.970ha.

Để tạo sự thống nhất từ ý chí tới hành động, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, thời gian qua, huyện Than Uyên đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền. Qua đó, giúp các cấp, ngành hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời phát huy sức mạnh của bà con trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong đó, huyện Than Uyên đã chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, đây cũng là nội dung của tiêu chí 16 trong bộ tiêu chí. Bám sát sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của đoàn thể các cấp, các địa phương đã đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, triển khai xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Đoàn viên thanh niên xã Hua Nà (huyện Than Uyên) chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng được đầu tư, kinh tế khu vực nông thôn có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần, chất giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao, cùng với đó, vệ sinh môi trường, khu vực nông thôn đã được quan tâm hơn so với trước đây. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể thông qua ngày chủ nhật xanh, thứ 7 tình nguyện của đoàn viên thanh niên và phong trào 5 không, 3 sạch của Hội Liên hiệp phụ nữ. Qua đó, môi trường sống khu vực nông thôn ngày càng đảm bảo.

Với những nỗ lực trong quá trình thực hiện, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 xã đạt 10 – 14 tiêu chí. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng vững chắc và động lực để Than Uyên tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Tại xã Mù Cả, huyện Mường Tè có 767 hộ, với 2.915 nhân khẩu, với đặc thù là xã vùng cao, biên giới, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tập quán sản xuất, chăn nuôi của bà con các dân tộc còn nhỏ lẻ, manh mún; trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, trồng cây ăn quả chưa phát huy hết hiệu quả.

Trước tình trạng đó, xã tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện thông qua các chương trình thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương. Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao.  

Người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) có thu nhập nhờ chăn nuôi lợn đen.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh tăng vụ. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để lựa chọn giống, thời vụ cũng như chăm sóc phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Anh Lỳ Gò Xè, Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: “Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chương trình hỗ trợ tại địa phương. Vận động người dân đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu lao động. Khuyến khích bà con chủ động đưa các loại cây trồng có giá trị vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa”. 

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/năm, đến năm 2025, xã phấn đấu nâng mức thu nhập này lên 36 triệu đồng/người/năm. Để đạt được chỉ tiêu này, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Các hội, đoàn thể xã thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả...

Còn tại xã Giang Ma - xã khó khăn của huyện Tam Đường, với 80% đồng bào dân tộc Mông. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã gặp nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp, nhận thức của Nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu. Trước thách thức đó, xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM, phân công các thành viên phụ trách các bản để hướng dẫn Nhân dân thực hiện các tiêu chí, đồng thời thực hiện phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. 

Xác định tuyên truyền, vận động là khâu “then chốt”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng NTM thông qua các hội nghị, cuộc họp bản, sinh hoạt của các đoàn thể, hệ thống loa truyền thanh... Từ đó, người dân hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM, đồng thuận đóng góp sức người, sức của thực hiện các tiêu chí.

Người dân xã Giang Ma, huyện Tam Đường phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Một trong những điểm nhấn xây dựng NTM ở xã Giang Ma là làm đường giao thông nông thôn. Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, người dân đồng thuận và tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất để làm đường. Xã có tổng số 37,116km đường giao thông nông thôn các loại, đã cứng hóa được 27,888km, đạt 75,13%. Giao thông thuận lợi giúp bà con đi lại thuận tiện, dễ dàng trao đổi hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Xã xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi. Bởi vậy, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất. Đồng thời, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, việc phát triển cây ăn quả ôn đới, rau màu đã mở ra hướng làm giàu mới cho bà con.

Hiện, xã Giang Ma có 71,6ha cây ăn quả ôn đới, sản lượng 481 tấn. Cùng với đó, xã vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 36 triệu đồng/năm.

Ông Giàng A Dinh (bản Phìn Chải, xã Giang Ma) chia sẻ: “Được xã tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình tôi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ giống lúa địa phương sang giống chất lượng cao, tôi gieo cấy 1,2ha, thu được 5 - 6 tấn thóc. Tôi mạnh dạn trồng 30 cây đào chín sớm, 20 cây lê, nuôi từ 5 - 7 con trâu, từ các khoản thu nhập đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tôi và bà con còn tích cực vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Từ khi xây dựng NTM đến nay, diện mạo nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt”.

Có thể thấy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM, các địa phương của tỉnh Lai Châu vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Lai Châu tiếp tục đưa ra những giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2020-2025 gồm tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn nhất là hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường; thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ánh Tuyết

Theo KTĐU

Từ khóa: