Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Lai Châu: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành được các liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản... Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Người dân Mường Tè tập trung phát triển rừng để tạo thu nhập và giữ gìn sinh thủy đầu nguồn - Ảnh: IT

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, tỉnh Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp. Đồng thời, giai đoạn 2021-2025, Lai Châu ban hành các nghị quyết, quyết định về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ...

Tỉnh chú trọng hỗ trợ bà con về cấp các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, để thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất.

Từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã từng bước giúp bà con nhân dân Lai Châu có điều kiện để chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, là tiền đề quan trọng để Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo dựng các sản phẩm, thương hiệu từ nông nghiệp.

Tại huyện Nậm Nhùn, chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy huyện phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến người dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trồng cây quế là hướng đi hiệu qủa trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân huyện Nậm Nhùn.

Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND xã Mường Mô, một trong những xã điển hình triển khai nhanh, hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã được thực hiện theo tiềm năng, thế mạnh mà xã hiện có. Trong đó, xã định hướng cho người dân nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện. Ngoài ra, xã còn hướng dẫn người dân phát triển trồng xoài, nhãn và chăn nuôi đại gia súc theo quy mô tập trung, trang trại. Đến nay, xã phát triển được trên 400 lồng nuôi cá; diện tích trồng cây ăn quả hơn 40ha và đàn gia súc gồm trâu, bò lên hơn 500 con. Từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Nghề nuôi cá lồng đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Nghề nuôi cá lồng đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Mường Mô.

Đến thời điểm này, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hình thành được nhiều vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình như trên địa bàn các xã: Lê Lợi, Pú Đao, Nậm Pì phát triển diện tích cây mắc-ca lên đến 166,2ha, nhiều diện tích bước đầu cho thu nhập và huyện vẫn tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho người dân; toàn huyện có 417,07ha cây ăn quả các loại gồm: nhãn, xoài, chanh leo, dứa; duy trì diện tích cây dược liệu khoảng 200ha và 186,7ha cây thảo quả dưới tán rừng, chủ yếu trồng tại các xã biên giới: Trung Chải, Nậm Ban, Hua Bum. Tổng đàn gia súc trên địa bàn toàn huyện trên 275 nghìn con, tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%; trong đó, đại gia súc gồm đàn trâu, bò hơn 14 nghìn con. Tổng số lồng cá trên vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu hơn 400 lồng, chủ yếu thả các loài cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá chép và cá lăng.

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã; tỷ lệ giảm nghèo đạt 3,8%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm.

Còn tại huyện Phong Thổ, cùng với việc thúc đẩy phát triển thương mại – dịch vụ, thời gian qua, các địa phương trong huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất hàng hoá tập trung có liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; mang lại nguồn thu nhập lớn cho Nhân dân.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp giúp người dân huyện Phong Thổ thay đổi nhận thức trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Ảnh: Đình Thùy-TTXVN

Với lợi thế đất nông nghiệp màu mỡ, thuận lợi hơn các xã khác, thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Mường So đã khảo sát, quy hoạch từng vùng sản xuất. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng với mục tiêu hình thành vùng lúa chất lượng cao; vùng cây ăn quả theo chuỗi liên kết giá trị; vùng rau xanh hữu cơ. Đồng thời xã tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã Mường So khuyến khích các hộ dân tận dụng quỹ đất nuôi theo hình thức gia trại, trang trại; trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc; tăng mật độ nuôi gia cầm theo hướng hàng hoá. Hàng năm, xã, chỉ đạo các công chức chuyên môn triển khai công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc trên địa bàn; hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngoài ra, xã Mường So quan tâm triển khai các đề án, nghị quyết về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân; tạo điều kiện cho gia đình có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội do các tổ chức hội quản lý. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng kiến thức, kinh nghiệm vào chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Cán bộ xã Mường So thăm mô hình trồng bí xanh của gia đình ông Lò Văn Thím, bản Huổi Én đang vào mùa thu hoạch.

Được biết, toàn xã có diện tích cấy lúa 288ha, 85ha ngô chủ yếu với các loại giống năng suất, chất lượng cao như: nếp tan, J02, CP111, CP 333… Hiện nay, xã đang chỉ đạo các bản đôn đốc Nhân dân chăm sóc tốt cho 108ha cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải, chuối, xoài liên kết; 51ha cây rau màu, lạc; hơn 324ha cây cao su đang cho thu hoạch. Tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đạt 2.184 con; tổng đàn gia cầm đạt trên 37.000 con.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, cộng với những kinh nghiệm sẵn có, cùng với sự đoàn kết thống nhất của tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, tỉnh Lai Châu sẽ quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm “Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Thanh Thanh

Theo KTĐU

Từ khóa: