Hỏi: Do quan hệ làm ăn, tôi có đưa sổ đỏ thửa đất của mình cho bạn hàng cầm làm tin. Nay chúng tôi không hợp tác nữa nhưng bên kia cố tình không trả sổ đỏ của tôi. Xin hỏi trường hợp này tôi có thể khai báo mất sổ đỏ để được cấp lại hay không?
Trả lời: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành thì chủ sở hữu được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp bị mất.
|
Hình minh họa. |
Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định về việc cấp lại sổ đỏ do bị mất được tóm tắt theo các bước như sau:
Bước 1: Người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) phải đến UBND cấp xã, phường nơi có đất nộp đơn khai báo về việc mất sổ đỏ và cam kết trước pháp luật về việc khai báo của mình.
Bước 2: Sau khi nhận đơn khai báo cán bộ địa chính cấp xã phường có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: -Xác định số vào sổ cấp sổ đỏ của sổ đỏ bị mất; - Chuyển đơn khai báo lên phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND quận, huyện cấp sổ đỏ; - Niêm yết thông báo việc mất sổ đỏ tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất.
Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận (theo mẫu); Giấy tờ xác nhận việc mất sổ đỏ của công an cấp xã nơi mất giấy;
Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất sổ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hoả hoạn) đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Trường hợp hộ gia đình và cá nhân thì chỉ cần có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở UBND cấp xã.
Bước 3: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, chủ sở hữu nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp xã, phường nơi cư trú để được cấp lại. Như vậy, Luật quy định chủ sở hữu được cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ như trên.
Trường hợp của bạn sổ đỏ không bị mất mà do người bạn làm ăn đang cầm giữ nên không thể khai báo là đã mất để xin cấp lại. Vậy bạn nên thương lượng giải quyết ổn thỏa với người bạn hàng để lấy lại sổ đỏ; nếu vẫn bị làm khó, bạn nên trình báo sự việc với cơ quan có thẩm quyền để được giúp đỡ, giải quyết.
Hỏi: Do bất cẩn nên tôi đã làm cháy giấy phép lái xe ô tô, xin luật sư tư vấn cho tôi cần phải làm gì để được cấp lại? Thủ tục ra sao? Liệu tôi có phải thi lại mới được cấp bằng lái xe hay không?
Trả lời: Bạn cần liên hệ với Sở Giao thông Vận tải để xin cấp lại giấy phép lái xe ô tô. Theo quy định hiện hành, người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, còn hồ sơ gốc hoặc không còn hồ sơ gốc nhưng có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu giấy phép lái xe không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ thì sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định sẽ được xét cấp lại giấy phép lái xe mới.
Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lái xe gồm: Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu; Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (trong thời hạn 6 tháng); Bản sao căn cước công dân (chứng minh nhân dân); Hồ sơ gốc của giấy phép lái xe (nếu có), ảnh cỡ 3x4 do cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp.
Lưu ý: Do anh không nói rõ giấy phép lái xe của anh có thời hạn sử dụng ra sao nên luật sư không thể trả lời câu hỏi anh có phải thi lại mới được cấp bằng lái hay không?
Theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017 về quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì:
1. Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại (không phải thi sát hạch lại).
2. Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, phải dự sát hạch lại các nội dung: a) Quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết; b) Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Theo Phapluatplus