Việc làm phá hoại an toàn đập đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nghiêm ngặt tại Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ. Đồng thời, việc thi công tuyến đường Bản Dền – Thanh Phú của UBND tỉnh Lào Cai có thể gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ.
Cưỡng chế thi công trái phép công trình thủy điện?
Công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai là chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tà Thàng, công suất 60MW, thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Chủ đầu tư đã thi công xây dựng tuyến đường đến đập với chiều dài 10km, hoàn thành vào năm 2008 trước khi đi vào thi công đập, nhà máy. Nhà máy đã hoàn thành và vận hành phát điện vào tháng 10/2013; hiện nay, nhà máy đang vận hành, khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả.
Ngày 22/7/2014, UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 2034/QĐ-UBND phê duyệt phương án bảo vệ đập nhà máy thủy điện Tà Thàng, trong đó quy định: Phạm vi không được xâm phạm là 50m sát chân đập.
Nhà máy thủy điện Tà Thàng đang vận hành, khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Bản Dền - Thanh Phú đi Tà Thàng - Xuân Giao - QL4E- Phú Nhuận, chiều dài khoảng 50km, tổng mức đầu tư khoảng gần 1.000 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ và vốn của tỉnh Lào Cai đi trực tiếp lên đập và cửa nhận nước (hầm) của nhà máy thủy điện Tà Thàng. Theo phản ánh của chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Tà Thàng, việc tỉnh Lào Cai tổ chức thi công đoạn đường này đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ an toàn đập, cụ thể:
Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định tại mục a, khoản 3, Điều 25);
Vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng (quy định tại khoản 1, Điều 10), Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Vi phạm nghiêm trọng Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện.
Về nội dung vi phạm này đã được các Bộ có ý kiến (Bộ Công Thương tại Văn bản số 12913/BCT-ATMT ngày 24/12/2014; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 8517/BNN-TCTL ngày 22/10/2014).
Văn bản số 12913/BCT-ATMT ngày 24/12/2014 của Bộ Công Thương khẳng định phương án xây dựng tuyến đường giao thông Bản Dền - Thanh Phú nằm trong phạm vi không được xâm phạm của công trình thủy điện Tà Thàng.
Việc vi phạm pháp luật nói trên của UBND tỉnh Lào Cai đã rất rõ ràng, đồng thời đã có ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai đã không dừng lại, mà ngày 15/3/2019, chính quyền tỉnh Lào Cai ngang nhiên cưỡng chế trái pháp luật, huy động lực lượng và cho máy móc thi công ngay trên đập thủy điện.
Việc làm phá hoại an toàn đập đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nghiêm ngặt tại Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ, gây nguy cơ vỡ đập, sập hầm; phá hủy nhà cửa, tài sản của người dân, đe dọa trực tiếp tính mạng của nhân dân dưới hạ du. Đồng thời cho thấy, UBND tỉnh Lào Cai đã không chỉ vi phạm pháp luật mà còn cho thấy sự coi thường sinh mạng con người.
Chính quyền tỉnh Lào Cai thực hiện cưỡng chế, huy động lực lượng, cho máy móc thiết bị thi công ngay trên đập và cửa nhận nước (hầm) thủy điện Tà Thàng.
Nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ nguồn trái phiếu chính phủ?
Dự án thi công tuyến đường Bản Dền – Thanh Phú của UBND tỉnh Lào Cai đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn thành, trong khi đó chủ đầu tư nhà máy thủy điện Tà Thàng đã bỏ kinh phí và thi công hoàn thành 10km đường vào năm 2008. Vậy, hàng nghìn tỷ nguồn trái phiếu Chính phủ đã đi đâu, về đâu, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ.
Theo Reatimes